Chiều 24.1, Khoa phẫu thuật tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa cứu sống một ca bệnh tim mạch rất nặng kèm theo nhiều bệnh lý khác.
tin liên quan
Đừng để cái miệng hại… cái thậnBệnh nhân là bà H.T.T (64 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi, Cà Mau), nhập viện trong tình trạng mệt và đau ngực trái và có tiền sử ngất xỉu nhiều lần.
Theo người nhà bệnh nhân, từ năm 2017, bà T. đi khám bệnh ở TP.HCM và được chỉ định phẫu thuật nhưng do hoàn cảnh gia đình nên bà T. đã để bệnh kéo dài. Gần đây, tình trạng bệnh của bà diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân thường xuyên mệt và đau ngực trái và ngất xỉu buộc gia đình phải đưa bà nhập viện phẫu thuật.
Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, bà T. bị hẹp van động mạch chủ khít, van động mạch chủ hai mảnh, phình động mạch chủ ngực đoạn lên sau chỗ hẹp, đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid. Các bác sĩ cũng hội chẩn và chỉ định làm phẫu thuật thay van động mạch chủ và động mạch chủ ngực đoạn lên (phẫu thuật Wheat) cho bệnh nhân.
tin liên quan
Những dấu hiệu đầu tiên của ung thư bạn cần phải biếtThs.BS Lâm Việt Triều, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết quá trình mổ, ê kip bác sĩ đã tiến hành thay van động mạch chủ sinh học, thay động mạch chủ ngực đoạn lên bằng mạch máu nhân tạo cho bệnh nhân.
“Đặc biệt ngoài các trang thiết bị thường quy của phẫu thuật tim, chúng tôi còn sử dụng hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (máu chảy ra từ bệnh nhân được thu hồi, xử lý và truyền trả lại cho bệnh nhân - PV) và hệ thống theo dõi độ tưới máu nhu mô não cho bệnh nhân. Mục đích là giảm tỉ lệ truyền máu từ ngân hàng máu và phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy não”, BS Triều nói.
Cũng theo BS Triều, phình động mạch chủ ngực là một bệnh lý rất nặng, bệnh nhân luôn có 2 nguy cơ tử vong nhanh chóng do tình trạng hẹp khít van động mạch chủ và vỡ phình động mạch chủ ngực.
Trong khi đó, phẫu thuật động mạch chủ hiện là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi ê kíp phẫu thuật phải có chuyên môn vững, kinh nghiệm cùng với đó là những trang thiết bị hiện đại. Trước đây ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý tương tự đều phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật.
Hiện tại, 2 ngày sau ca mổ, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, có thể đi lại, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Bình luận (0)