Cứu sống nữ phụ hồ rơi từ tầng 5 xuống đất nhờ 'báo động đỏ nội viện'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
18/06/2020 14:24 GMT+7

Bệnh viện Trung ương Huế đã khởi động hệ thống 'báo động đỏ nội viện', huy động tất cả các khoa liên quan để cứu sống một phụ nữ làm nghề phụ hồ rơi từ tầng 5.

Sáng 18.6, giáo sư - tiến sĩ (GS.TS) Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh nhân là chị Đ.T.K.A (40 tuổi, ngụ xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm phụ hồ rơi từ tầng 5 của công trình xây dựng được cứu sống nhờ báo động đỏ nội viện.
Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã chuyển biến tích cực, tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, hiểu y lệnh, các dấu hiệu sống trong giới hạn bình thường.
Bệnh nhân sẽ được tiếp tục được hội chẩn với các khoa liên quan để điều trị dứt điểm các thương tổn, đồng thời tăng cường phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân sớm phục hồi vận động để có thể ra viện.

Các y, bác sĩ nhiều khoa chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Huế đã được huy động, tiến hành can thiệp khẩn cấp cứu sống cho bệnh nhân bị tai nạn lao động rơi từ tầng 5 nguy kịch

Ảnh: Nhật Tân

Trước đó, bệnh nhân bị tai nạn lao động rơi từ tầng 5 của một công trình xây dựng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 8 giờ 50 phút ngày 16.5, với tình trạng bệnh nhân choáng nặng, đa chấn thương, huyết áp thấp 50/30 mmHg, chấn thương sọ não nặng, dập phổi 2 bên, chấn thương gan, gãy đa xương, vết thương vùng hàm mặt phức tạp.
Kết quả chụp CT Scan sọ não bệnh nhân cho thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện, vỡ lún xương bản sọ vùng trán. CT phổi có hình ảnh tràn dịch, tràn khí màng phổi 2 bên, dập phổi nặng, CT bụng có hình ảnh chấn thương gan. Bệnh nhân có gãy xương cánh tay, xương bả vai, xương đòn kèm vết thương vùng hàm mặt phức tạp. Bệnh nhân được chuyển lên phòng hồi sức A, khoa Gây mê Hồi sức A tiếp tục hồi sức tích cực.
Sau khi nhận được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về hướng điều trị của Khoa cấp cứu về một trường hợp bệnh nhân nặng, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện đã ngay lập tức bật hệ thống "báo động đỏ nội viện". Tất cả các khoa liên quan tiến hành hội chẩn với tinh thần khẩn trương, chạy đua với thời gian vì tính mạng bệnh nhân.
Bệnh nhân ngay lập tức được đặt dẫn lưu màng phổi hai bên cấp cứu, các khoa ngoại liên quan can thiệp ở mức tối thiểu, ưu tiên hồi sức chống choáng. Tiếp đó, bệnh nhân được cho thở máy bảo vệ phổi, thở máy, chống phù não, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, truyền máu, tập vận động và phục hồi chức năng sớm, có chế độ dinh dưỡng thích hợp...
Những ngày đầu tiên, bệnh nhân tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, Ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo tất cả kỹ thuật cao tại khoa được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân. 

Hiệu quả của quy trình "báo động đỏ" toàn viện

Tiến sĩ - bác sĩ (TS. BS) Nguyễn Viết Quang Hiển, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức A, cho biết đa số bệnh nhân rơi từ độ cao từ tầng 5 xuống đất đều có nguy cơ tử vong cực kỳ cao. 
Đối với nữ bệnh nhân A. được cứu sống là một trường hợp rất hy hữu, nhờ quy trình “báo động đỏ” với sự chỉ đạo sát sao của ban giám đốc, sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của tất cả các khoa trong toàn viện theo cũng như sự làm chủ các kỹ thuật cao cấp trong Ngoại khoa, Gây mê và Hồi sức.
GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết nhờ áp dụng quy trình "báo động đỏ" toàn bệnh viện nên có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng vào khoa cấp cứu đã ngay lập tức được chẩn đoán, hồi sức và làm các thủ thuật cần thiết với tinh thần khẩn trương nhất, đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.