Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai của châu Á lần thứ 22 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 30.5, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc của các bên tranh chấp đã đẩy căng thẳng Biển Đông gia tăng. Bên cạnh đó, những tranh chấp này không thể được giải quyết theo khái niệm có sức mạnh là có quyền được, theo báo Nikkei Asian Review ngày 30.5.
Ông Goh đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung Quốc cấp tập cải tạo đảo, xây dựng phi pháp tại Biển Đông, bao gồm xây đường băng, cảng, triển khai vũ khí, máy bay quân sự…
“Lằn ranh giữa chính sách trong nước và đối ngoại đã bị nhoè đi. Sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc sẽ gia tăng khả năng xung đột”, theo ông Goh, người từng giữ chức thủ tướng Singapore trong 14 năm.
Do đó, ông Goh khẳng định Singapore đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp và các thoả thuận quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).
tin liên quan
Lào kêu gọi 'đàm phán song phương' về vấn đề Biển ĐôngThủ tướng Lào ngày 28.5 kêu gọi sử dụng “đối thoại song phương” để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, giống hệt quan điểm Trung Quốc đưa ra.
Theo cựu thủ tướng Singapore, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm dịch chuyển cán cân quyền lực tại châu Á và Biển Đông chính là khu vực đại diện cho những bất hoà chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Goh nhận định Mỹ vẫn sẽ là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu trong tương lai tới. Tuy nhiên Trung Quốc đang tạo ra được nhiều ảnh hưởng, bằng chứng là phần lớn các nước châu Á đều coi Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất hoặc lớn thứ 2, vì vậy các nước sẽ phải điều chỉnh mối quan hệ.
“Sự cạnh tranh giữa các nước lớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng không nước nào muốn chọn phe hoặc là Mỹ hoặc Trung Quốc”, ông Goh nói. Hơn nữa, cựu thủ tướng Singapore nêu quan điểm rằng châu Á là khu vực đủ rộng lớn cho tất cả các cường quốc, gồm cả Nhật Bản, chung sống hoà bình và giải quyết vấn đề trên tinh thần xây dựng, không gây căng thẳng.
Trước đó, tại Diễn đàn Hoà bình và Thịnh vượng lần 11 ở Jeju (Hàn Quốc) ngày 26.5, ông Goh có nhắc đến vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực trong việc giải quyết mâu thuẫn, biến cựu thù thành đối tác mới, theo Channel News Asia.
“10 nước ASEAN khác nhau rất nhiều về địa lý, dân số, kinh tế, cấu trúc xã hội và thể chế chính trị, nhưng chúng tôi không quên các mục tiêu chung nhằm giảm đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện phúc lợi chung của người dân. Những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu đó mang chúng tôi gần nhau hơn, ghép các mảnh ghép lại với nhau”, ông Goh tuyên bố.
Bình luận (0)