Sáng 12.5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
4 lãnh đạo công an tỉnh Hòa Bình "nhờ xem điểm"
Là người đầu tiên khai báo tại tòa, bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình, tiếp tục không nhận tội, phủ nhận cáo buộc trong cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình; và bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), tại tòa trước đó có liên quan đến mình.
Chất chỉ thừa nhận gọi điện cho Nguyễn Quang Vinh nhờ xem điểm cho một số con em của cán bộ tại Công an tỉnh do được nhờ nhưng bị từ chối, nên sau đó gọi điện nhờ Đỗ Mạnh Tuấn.
Khi bị Hội đồng xét xử truy vấn nếu chỉ là nhờ thì vì sao phải thực hiện việc nhờ xem điểm đến cùng, bị cáo Chất nói trong những người nhờ, có 4 lãnh đạo và anh em đồng nghiệp thân thiết nên do nể nang đã đồng ý xem điểm giúp.
Tương tự, với cáo buộc tạo điều kiện bố trí nhân sự, tới phòng 504 khu vực chấm thi trắc nghiệm để đưa danh sách thí sinh cho bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện việc nâng điểm, bị cáo Chất cũng phủ nhận. “Bị cáo chỉ đến khu vực chấm thi trắc nghiệm 1 lần vào 3.7.2018 khi có thông tin Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tới kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh”, theo bị cáo Chất.
Chỉ gọi điện để "trao đổi về hoa lan"?
Cựu thượng tá công an cũng phủ nhận lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khẳng định, ngày 20.6, Chất đã liên hệ đưa 500 triệu cho Tuấn để nhờ việc nâng điểm cho 2 thí sinh và tối ngày 29.7, sau khi làm việc cơ quan điều tra, đã tới nhà để tìm gặp mình trao đổi về cuộc làm việc.
“Sáng 20.6, bị cáo gọi điện cho Đỗ Mạnh Tuấn, như lời khai là đưa tiền cho Tuấn nhưng ngày 20.6, bị cáo giao ban tại Công an tỉnh. Lúc 7 giờ, sau khi tới cơ quan xem tài liệu chuẩn bị giao ban thì có gọi điện cho Tuấn, nhưng chỉ trao đổi về hoa lan”, Chất khai tại tòa.
Bị cáo Chất cũng khẳng định vào tối 29.7, mình ở nhà mẹ đẻ vì mẹ vừa thực hiện phẫu thuật, không có mặt ở nhà và cũng không gặp Đỗ Mạnh Tuấn như Tuấn khai.
Được gọi lên đối chất, Đỗ Mạnh Tuấn khẳng định vẫn bảo lưu lời khai trước đó. Theo bị cáo Tuấn, Chất tới phòng 504 khu vực chấm thi trắc nghiệm vào buổi chiều 29.4, đưa danh sách 10 thí sinh và nói rõ 8 người đã nhờ Nguyễn Quang Vinh, còn 2 người thì Chất nhờ riêng Tuấn.
Tới tối 28.7, sau khi lên cơ quan công an đầu thú, Tuấn tìm đến nhà gặp Chất và được Chất dặn “nếu có hỏi gì tới anh trao thì nói anh em chỉ gọi điện trao đổi về hoa lan, hoa huệ”.
Trước lời đối chất của Đỗ Mạnh Tuấn, cựu sĩ quan an ninh khẳng định, lời khai Tuấn là vu khống cho mình. “Lý do có thể là thù ghét cá nhân, do bị cáo là người đưa Tuấn đi tự thú”, bị cáo Chất nói.
Chưa đủ căn cứ truy tố hành vi đưa hối lộ
Theo cáo trạng, đầu tháng 5.2018, khi tham gia họp tại Sở GD-ĐT để chuẩn bị cho kỳ thi, ông Chất gặp ông Tuấn, nhờ nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình. Ông Tuấn đồng ý và đề nghị ông Chất tạo điều kiện bố trí nhân sự bảo vệ làm sao để việc nâng điểm được dễ dàng.
Ngày 29.6, ông Chất tới địa điểm chấm thi trắc nghiệm, đưa danh sách 10 thí sinh cho ông Tuấn. Kết quả, cả 10 người đều được nâng điểm. Ngoài ông Chất, hàng loạt cán bộ công tác trong ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình cũng tìm đến Đỗ Mạnh Tuấn để nhờ nâng điểm cho người quen của mình.
Theo lời khai của ông Đỗ Mạnh Tuấn, vào ngày 20.6.2018, tại một quán ăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ông Chất đưa cho Tuấn 500 triệu đồng để nhờ can thiệp, nâng điểm cho 2 thí sinh.
Căn cứ lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn cùng các tài liệu chứng cứ khác, cơ quan tố tụng khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Chất đã móc nối, nhờ nâng điểm cho 10 thí sinh.
Về việc đưa và nhận tiền, Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định, do các tài liệu chứng cứ thu thập chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự ông Chất, cũng như gia đình các thí sinh, về hành vi đưa hối lộ.
Bình luận (0)