Nhà văn Minh Khoa tên thật là Đặng Quang Hổ, sinh tại Sài Gòn. Năm 1943, ông bắt đầu hoạt động bí mật cho Việt Minh với "vỏ bọc" là thầy giáo, sau đó làm cán bộ tiền khởi nghĩa.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và từ đây ông vừa hoạt động vừa sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Kéo cày đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1958.
Theo nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp: "Soạn giả Minh Khoa viết kịch bản sân khấu không nhiều lắm, nhưng từng tác phẩm có sức sống bền lâu và có sức thuyết phục công chúng mạnh mẽ. Mỗi kịch bản sân khấu của ông thường in lại nhiều dấu ấn trong nền nghệ thuật dân tộc, bằng khá nhiều loại thể: Kịch nói, cải lương, phim truyện, với hình thức sàn diễn, phát thanh, truyền hình hoặc một kịch bản cùng nhiều đơn vị dàn dựng".
Năm 1961, ông được lệnh trở về nam công tác tại Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam cho đến ngày giải phóng (1975). Trong suốt giai đoạn này, tác giả Minh Khoa vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tác.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7. Đến năm 1988, ông chuyển ngành sang Hội Sân khấu và giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Tổng biên tập Báo Sân khấu, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM.
Trong quá trình hoạt động, chiến đấu và sáng tác, với 75 tuổi Đảng, ông nhận được nhiều huân huy chương cao quý. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Tác phẩm Người ven đô là một trong những kịch bản sân khấu nổi tiếng, để đời của ông.
Linh cữu đại tá - nhà văn Minh Khoa được quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 đường Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Lễ viếng bắt đầu lúc 17 giờ, ngày 30.7. Lễ truy điệu vào ngày 1.8, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã xuất bản:
Ông lão chăn dê và chàng trinh sát (1981, NXB VNTP, Hội Nhà văn Việt Nam)
Trên lưng ngựa (tập 1 - 1985, tập 2 - 1986, tập 3 - 1994, NXB Trẻ)
Một tiếng đờn kìm (1997, NXB Hội Nhà văn Việt Nam)
Một công binh xưởng bỏ túi (2001, NXB QĐND)
Ông họa đồ Lanh (2003, NXB Trẻ)
Những người hào kiệt (2005, NXB Văn hóa văn nghệ)
Tác phẩm sân khấu:
Hai cha con chú tự vệ (kịch nói) được trao giải nhất Văn nghệ miền Đông (kịch bản văn học - 1965)
Người con gái thành phố Bác Hồ (kịch nói)
Người con gái làng Mỹ Hạnh (kịch nói - 1974)
Người ven đô
Giải thưởng văn học:
Giải nhất Văn nghệ miền Đông năm 1964 với tác phẩm Không rời đồng đội
Giải nhất Văn nghệ miền Đông năm 1965 với tác phẩm Hai cha con chú tự vệ
Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Dù biết rằng tuổi cao sức yếu và mang chứng bệnh ung thư tiền liệt tuyến từ nhiều năm qua nhưng việc nhà văn, đại tá Minh Khoa mất đi khiến cho giới văn chương và những người yêu mến các tác phẩm ông vô cùng đau buồn, thương tiếc.
Bình luận (0)