Sức ảnh hưởng của Lý Tiểu Long sau 50 năm qua đời

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
18/07/2023 13:55 GMT+7

Tròn 50 năm sau khi qua đời, ngôi sao điện ảnh-võ thuật Lý Tiểu Long, từng khơi dậy trí tưởng tượng của nhiều thế hệ thanh niên trên toàn thế giới, vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều người.

Sinh ngày 27.11.1940 ở San Francisco (Mỹ) nhưng lớn lên tại Hồng Kông (Trung Quốc) - trung tâm tài chính châu Á, Lý Tiểu Long (Bruce Lee) trở nên nổi tiếng vào thập niên 1970.

Lý qua đời vì chứng phù não ở tuổi 33 vào ngày 20.7.1973, 6 ngày trước khi phát hành Enter the Dragon (Long tranh hổ đấu), bộ phim nổi tiếng nhất của ông.

50 năm sau khi qua đời, Lý Tiểu Long vẫn ảnh hưởng lớn đến nhiều người  - Ảnh 1.

Ngôi sao điện ảnh – võ thuật Lý Tiểu Long (1940-1973)

BBC

"Lý có tài năng đặc biệt và thật đáng tiếc khi qua đời còn quá trẻ như vậy", Dorothy Tam (60 tuổi), nói với Reuters.

Bị thu hút bởi kỹ năng thể hiện qua những màn trình diễn của Lý Tiểu Long trên phim, Tam lúc đó mới 10 tuổi, trở thành người hâm mộ ông suốt đời.

Di sản Lý Tiểu Long vẫn phát triển 50 năm sau khi huyền thoại kungfu qua đời

Nhưng phải đến năm 2019, Tam mới vượt qua được tâm lý e ngại ban đầu vì võ thuật do nam giới thống trị ở Hồng Kông để bắt đầu học Vịnh Xuân quyền, môn võ thuật xuất phát từ miền nam Trung Quốc mà Lý Tiểu Long từng học và dạy.

"Tôi phát hiện ra nó thực sự là một môn võ thuật phù hợp với cả phụ nữ, nhấn mạnh sự mềm mại để vượt qua cứng rắn", bà Tam nói khi đứng bên bức tượng bán thân bằng đồng của thầy Lý.

50 năm sau khi qua đời, Lý Tiểu Long vẫn ảnh hưởng lớn đến nhiều người  - Ảnh 2.

Bà Dorothy Tam (60 tuổi) học Vịnh Xuân quyền

REUTERS


Tam bắt đầu học võ với con đỡ đầu của mình. Các bạn cùng lớp đến từ mọi tầng lớp xã hội, một số làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và những người khác làm tư vấn kinh doanh. Hầu hết học võ vào ban đêm, không ít người vẫn mặc đồ công sở.

"Võ thuật không chỉ là chiến đấu. Người hướng dẫn thường nhấn mạnh rằng tự vệ là tránh xung đột và tập trung vào việc cải thiện bản thân", bà Tam nói thêm.

50 năm sau khi qua đời, Lý Tiểu Long vẫn ảnh hưởng lớn đến nhiều người  - Ảnh 3.

Bức tượng Lý Tiểu Long ở Hồng Kông, Trung Quốc

REUTERS

Những đóng góp của Lý Tiểu Long cho võ thuật, điện ảnh và triết học đã truyền cảm hứng cho vô số người hâm mộ toàn cầu.

Khi trở về Hồng Kông từ Hollywood vào năm 1971, Lý thực hiện bốn bộ phim kungfu chỉ trong 2 năm, trong số đó có Fist of Fury (Tinh võ môn) và Way of the Dragon (Mãnh long quá giang).

Lý Tiểu Long giúp phổ biến võ thuật Trung Hoa thông qua những phim điện ảnh bom tấn và một bộ phim truyền hình ăn khách của Mỹ là The Green Hornet.

Nhịp sống nhanh ở Hồng Kông - một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới - thường mâu thuẫn giữa thời gian làm việc và nỗ lực cần thiết để thành thạo võ thuật truyền thống. Trong khi đó giá thuê mặt bằng tăng cao khiến việc thành lập trường võ trở nên khó khăn.

"Tiền thuê nhà rất đắt và học phí không đủ để trang trải khoản đó", Dennis Lee, Chủ tịch Hiệp hội vận động viên Ving Tsun, nơi Tam tập luyện, cho biết.

Được 7 đệ tử người Hồng Kông của đại sư Diệp Vấn - người có ảnh hưởng lớn đến cả Lý Tiểu Long - thành lập vào năm 1967, hiệp hội hoạt động trong một ngôi nhà được mua để làm trụ sở chính, hầu như không thay đổi trong 6 thập kỷ qua.

Dennis Lee (52 tuổi) - đệ tử của con trai thầy Diệp Vấn, từng bị thu hút bởi tấm gương của nam diễn viên Lý Tiểu Long - cuối cùng cũng thành lập được trường dạy võ của riêng mình, mặc dù không hề dễ dàng.

Kung fu là "nghệ thuật và nghệ thuật là cả đời", Dennis Lee nói thêm.

Một số người đam mê võ thuật, chẳng hạn như Nima King (người Úc gốc Iran, 39 tuổi) đã tìm cách hiện đại hóa phong cách giảng dạy.

50 năm sau khi qua đời, Lý Tiểu Long vẫn ảnh hưởng lớn đến nhiều người  - Ảnh 4.

Nima King dạy Amber (7 tuổi) môn võ Vịnh Xuân quyền

REUTERS

Chương trình giảng dạy tại trường võ mở cửa năm 2008 của King được hiện đại hóa hơn để hướng đến đối tượng khách hàng quốc tế, bao gồm cả trẻ em.

"Con thích kung fu", Sebby Peng (3 tuổi rưỡi), một trong những học sinh mẫu giáo mặc trang phục kung fu màu tím và trắng cho biết.

Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Lý Tiểu Long là "Hãy là nước, bạn của tôi" từ cuộc phỏng vấn năm 1971 đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Nima King bày tỏ, mặc dù đã qua đời 50 năm nhưng Lý Tiểu Long vẫn gián tiếp ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh.

"Đó không chỉ là những bộ phim. Chúng tôi tôn trọng tinh thần của Lý. Và đó là lý do tại sao chúng tôi phải làm việc chăm chỉ để tiếp tục bảo tồn những gì thuộc về di sản của Lý Tiểu Long", Nima King nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.