Ngày 19.11, phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng internet đã tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo được xác định có vai trò quyết định đến sự tồn tại và vận hành của game bài cờ bạc Rikvip/Tip.Club.
[VIDEO] Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh: “Bị cáo hết sức thấm thía và ân hận”
|
|
|
Trái với tình trạng sức khỏe yếu, liên tục phải vào phòng chăm sóc y tế những ngày đầu diễn ra phiên tòa, trong ngày 19.11 bị cáo Vĩnh bước lên bục khai báo với sự điềm tĩnh, trình bày mạch lạc từng câu hỏi. Khi được hỏi có cần ngồi ghế để khai báo, bị cáo này nói sẽ đứng để khai báo, thể hiện sự tôn trọng pháp luật, khi nào cảm thấy không khỏe thì mới xin phép chủ tọa cho ngồi.
Bị cáo Vĩnh thừa nhận việc bị Viện KSND tỉnh Phú Thọ truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng. Tuy nhiên, khi đi vào từng vấn đề cụ thể, bị cáo lại đưa ra những lý giải khá đa nghĩa. Theo bị cáo, khi về nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thì Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã được thành lập, hoạt động. Trả lời câu hỏi vì sao Tổng cục Cảnh sát lựa chọn Nguyễn Văn Dương và Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) làm công ty nghiệp vụ, bị cáo Vĩnh nói C50 được phép tổ chức thực hiện đơn vị nghiệp vụ là đúng với quy định, chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an lúc đó. Từ thời điểm tháng 5.2015, Tổng cục Cảnh sát công nhận CNC là công ty nghiệp vụ là đúng với quy trình, quy định. Còn trước đó, việc CNC hợp tác với C50 ra sao thì bị cáo không nắm rõ. Bị cáo cũng cho rằng, C50 chịu trách nhiệm về hoạt động của CNC và tại Tổng cục Cảnh sát bị cáo là người phụ trách chung, còn riêng đối với C50 do một phó tổng cục trưởng là ông Nguyễn Công Sơn phụ trách.
[VIDEO] Ông trùm Nguyễn Văn Dương khai về “liên minh” với Nguyễn Thanh Hóa
|
“Trước khi công nhận CNC là công ty nghiệp vụ, bị cáo thấy doanh nghiệp đã đóng góp được gì cho công tác phòng chống tội phạm?”, không đi vào trả lời trực tiếp câu hỏi này, bị cáo Vĩnh cho rằng mọi đường lối hoạt động của CNC đều do cục trưởng chịu trách nhiệm. "Với trách nhiệm tổng cục trưởng, bị cáo khẳng định đã yêu cầu việc hoạt động phải hiệu quả, đúng pháp luật”, bị cáo Vĩnh nói. Ngoài ra, bị cáo cũng cho rằng việc để CNC thuê cơ sở của công an làm trụ sở là trách nhiệm của C50 và Tổng cục Chính trị - Hậu cần.
“Bị cáo đã lãng quên” !
|
Bị cáo Vĩnh cũng trình bày, trong quá trình CNC hợp tác với Công ty VTC Online vận hành trò chơi đánh bạc trực tuyến, do C50 không báo cáo nên bị cáo không nắm được cho tới thời điểm giữa năm 2016. Bị cáo cũng thừa nhận biết công văn của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương ký ngày 27.5.2016 yêu cầu báo cáo về việc CNC và VTC Online vận hành trò chơi trái phép.
“Bị cáo lý giải gì về việc với tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, khi nhận được yêu cầu báo cáo của Thứ trưởng rằng công ty nghiệp vụ của Bộ Công an đang cùng Công ty VTC Online vận hành game trái phép, nhưng ngày 31.5 lại ký công văn gửi Bộ TT-TT xin cấp phép cho trò chơi của CNC”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Vĩnh lập tức phủ nhận và cho rằng văn bản mình ký là vào ngày 23.5 và đề nghị cơ quan tố tụng giám định để xác định lại việc này. Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận đã chậm trễ báo cáo sự vụ của CNC tới Bộ Công an. “Thời điểm đó, với áp lực công việc, các vụ án giết người xảy ra trên cả nước; hơn nữa lại là giai đoạn cuối của các vụ án về tham nhũng nên bị cáo đã lãng quên”, ông Vĩnh trần tình.
Mua đồng hồ Rolex từ “tiền bán cây cảnh”
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng “không có việc nhận hàng tỉ đồng và hàng triệu USD như bị cáo Nguyễn Văn Dương khai, trừ 1 chiếc áo và lọ thuốc bổ gan”. “Vậy chiếc đồng hồ Rolex thì sao”, chủ tọa truy. “Bị cáo có cầm từ Dương nhưng đã trả tiền cho Dương 1,1 tỉ đồng”, bị cáo Vĩnh đáp.
Trước hàng loạt câu hỏi của chủ tọa về việc lấy đâu ra tiền để mua đồng hồ đắt tiền, bị cáo Vĩnh xác nhận lương cá nhân chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng, vợ là cán bộ công chức lương khoảng 7 - 8 triệu đồng và gia đình cũng không kinh doanh buôn bán gì. Theo bị cáo, khoản tiền mua đồng hồ Rolex là do từ bán cây cảnh, mà vườn cây của bị cáo có nhiều cây trị giá khoảng “mươi tỉ”. Đáng chú ý, dù đồng hồ khá đắt tiền nhưng bị cáo Vĩnh khai sử dụng được thời gian ngắn thì đánh mất do… để quên trong phòng vệ sinh tại một hội nghị.
Tại phiên tòa, do Nguyễn Văn Dương khai không nhớ đã chi những khoản tiền cho ai nên HĐXX cho công bố lời khai của Dương trước đó. Theo đó, để được tạo điều kiện thuận lợi cho CNC trong hoạt động kinh doanh, Dương đã nhiều lần biếu tiền đối với nhiều cá nhân của Bộ Công an. Trong đó, đối với cá nhân ông Phan Văn Vĩnh, lúc game bài Rikvip mới hoạt động, mỗi tháng Dương biếu 2 tỉ đồng, sau đó có nhiều tháng định kỳ là 200.000 USD. Có năm, vào dịp tết, Dương biếu 20.000 USD, Tết 2016 biếu 10.000 USD, năm 2014 biếu đồng hồ Rolex, có lần đi nước ngoài về biếu áo 100 - 200 USD. Những lần biếu tiền, Dương đều mang đến phòng làm việc của ông Vĩnh và không ai biết. Dương khẳng định việc biếu tiền là tự nguyện, không ai ép buộc vì thấy cựu trung tướng tạo điều kiện để game bài hoạt động, có lợi nhuận. Khi đến biếu, Dương không hẹn trước... Nghe xong bản cung này, bị cáo Dương xác nhận là đúng và không bổ sung gì thêm.
“Bản thân đã có lỗi”
Tại phiên thẩm vấn, trả lời thêm một số câu hỏi của luật sư, bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng cho rằng trong việc thành lập công ty nghiệp vụ của Bộ Công an và xây dựng “Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng” không phải do bị cáo tự ý mà là ở tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình khai báo, cựu tổng cục trưởng cũng không quên đề nghị HĐXX xem xét không công bố một số văn bản đóng dấu “mật” của Bộ Công an.
Dù phủ nhận khá nhiều cáo buộc từ cơ quan tố tụng, song bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng cho rằng bản thân đã có lỗi khi đã quá tin tưởng cấp dưới và tin tưởng vào sự kiểm tra cơ quan chuyên môn, không kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh. “Còn lại những vấn đề khác, tôi chưa có một phút giây nào lơ là để tôi thấy rằng mình bị vi phạm. Nói chống lưng tội phạm là không đúng với tôi. Đề nghị làm rõ những chứng cứ vật chất để làm rõ cho tôi”, bị cáo Vĩnh nói.
“Trùm cờ bạc” suýt được tuyển dụng vào ngành công an
Khai nhận trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương (ảnh) cho biết được nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ (đã mất) giới thiệu để gặp gỡ với lãnh đạo C50 và từ đó thành lập CNC để trở thành doanh nghiệp hoạt động kinh tế nghiệp vụ, phục vụ cho C50. Ban đầu, CNC phải thuê trụ sở bên ngoài nhưng sau đó Dương đề xuất lãnh đạo C50 về việc thuê lại số 10 Hồ Giám, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội (là cơ sở của Bộ Công an), để làm trụ sở. Nguyễn Văn Dương cũng thừa nhận từ năm 2015 đã ký kết hợp tác với Phan Sào Nam, Chủ tịch Công ty VTC Online, để thực hiện hoạt động trò chơi cờ bạc trực tuyến Rikvip. Quá trình ký kết này, Dương có báo cáo cho ông Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50, nhưng không báo cáo cho ông Phan Văn Vĩnh. Sau 1 năm hoạt động, CNC mới đề nghị ông Nguyễn Thanh Hóa làm thủ tục cấp phép cho game bài hoạt động.
“C50 và Nguyễn Thanh Hóa đã giúp đỡ công ty của bị cáo như thế nào?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Dương trả lời nhưng không đi vào trọng tâm: “Nhận thức của bị cáo chỉ là các anh muốn có các hoạt động kinh doanh trên mạng internet để tham gia vào các cộng đồng người sử dụng mạng nắm bắt tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bị cáo nhận thấy đó là việc làm cần thiết".
Đáng chú ý, trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai C50 từng có kế hoạch tuyển dụng bị cáo vào ngành công an. Chủ trương này được lãnh đạo Bộ Công an khi đó phê duyệt nhằm phát triển lâu dài nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương thừa nhận các tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền theo như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ truy tố.
|
Bình luận (0)