'Cứu' văn hóa đọc trong… nhà trường

19/01/2017 09:29 GMT+7

Trước thực tế người trẻ đang có xu hướng lười đọc sách, nhiều trường đã thực hiện các hoạt động bắt buộc để giúp học sinh duy trì văn hóa đọc.

Bắt buộc đọc sách đầu giờ
Thay vì truy bài đầu giờ như nhiều trường khác, mỗi buổi sáng, học sinh (HS) khối 6 Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) bắt đầu giờ đọc sách. Hoạt động này đã được duy trì từ khi thành lập trường như một thói quen bắt buộc để giúp HS quen với việc đọc sách in.
Cầm cuốn Harry Potter trên tay, Hoàng Việt Anh (HS lớp 11A2) chia sẻ: “Mặc dù có nhiều phương tiện hỗ trợ đọc sách hiện đại nhưng em vẫn thích đọc sách in hơn”. Theo Việt Anh, khi đọc sách trên internet thì ngoài việc không đảm bảo chuẩn về chính tả, khó kiểm chứng nguồn thì mức độ tập trung cũng bị hạn chế. “Đôi khi đang đọc thì lại có một quảng cáo, một cửa sổ xuất hiện khiến việc đọc sách bị gián đoạn”, Việt Anh cho biết.
Qua hoạt động này, Trần Võ Trúc Linh (HS lớp 8A2) vừa được trường khen thưởng vì một năm Linh đã đọc xong gần 200 cuốn sách. Linh cho biết mê nhất là cuốn Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thể loại văn học có một chút khoa học viễn tưởng…
Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cũng đã tổ chức hoạt động bắt buộc HS đọc sách từ đầu học kỳ 1 năm học 2016 - 2017. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Tình trạng ít đọc sách khiến các em viết văn khó khăn hơn. Các hoạt động như đọc sách, cảm nhận âm nhạc sẽ giúp HS phong phú tâm hồn, cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống. Chính vì thế, trường đã bắt buộc HS khối 10 và 11 đọc 1 cuốn sách/tuần. Sau khi đọc sách, các em sẽ có thời gian suy ngẫm và chia sẻ về cuốn sách vừa đọc”.
Cũng theo cô Dung, năm học tới trường sẽ quy định rõ HS lớp 10 đọc sách văn học, lớp 11 đọc sách khoa học. Đồng thời, đẩy mạnh việc tìm kiếm một số sách về vật lý, toán học, sinh học… giúp phong phú đầu sách cho HS. Đặc biệt, trường cũng sẽ tìm kiếm thêm nhiều sách viết về lịch sử để giúp HS hiểu và yêu lịch sử nhiều hơn.
Cô Phan Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Thiện Lý, khẳng định: “Chỉ với 15 phút bắt buộc mỗi ngày không thể bắt HS đọc hết những cuốn sách cần thiết nhưng nó tạo thói quen tự học, tự nghiên cứu cho HS”.
Một số trường khác như THPT Lương Thế Vinh, THCS -THPT Mùa Xuân (TP.HCM) cũng đang nỗ lực giúp HS rèn luyện thói quen đọc sách bằng hình thức lồng ghép việc đọc sách vào các tiết học bắt buộc. Cũng để thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường, từ năm nay, nhiều trường THPT đã xây dựng riêng tiết đọc - hiểu nằm trong môn văn.
Lớn lên cùng sách
Hướng đến sự trưởng thành của HS qua quá trình đọc sách, phát triển bền vững kỹ năng đọc, 2 năm qua Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày hội “Lớn lên cùng sách”. Trong số những bài viết dự thi của HS đến từ 24 quận huyện trong toàn thành phố, có những bài viết thể hiện sự trưởng thành của HS qua quá trình đọc sách bền bỉ suốt nhiều năm.
Trương Quỳnh Anh (HS lớp 8/2 Trường THCS Phước Bình, Q.9), đoạt giải nhì hội thi, cho biết về kế hoạch đọc sách năm 2017 như sau: dành buổi tối thứ bảy và chủ nhật để đọc những quyển sách như: Bí mật của Nicholas Flamel bất tử, Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Giả thuyết thứ bảy… Không giống sở thích của hầu hết các bạn cùng trang lứa là xem phim, lướt web, Quỳnh Anh chỉ mê đọc sách. Vào các dịp như sinh nhật, Giáng sinh hay mỗi khi đạt được một thành tích nào đó ở trường, món quà Quỳnh Anh nhận được từ ba mẹ luôn là sách. “Em thấy rất hạnh phúc với món quà đó”, Quỳnh Anh cho biết.

tin liên quan

Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?
Đọc sách là một phương pháp tích luỹ kiến thức rất hiệu quả và giúp trẻ biết tư duy và tự lập, nhưng hiện nay hầu như trẻ em không thích đọc sách.
Huỳnh Hứa Xuân Vy (HS lớp 6/2 Trường THCS Lữ Gia, Q.11) chia sẻ: “Năm em học lớp 4, lần đầu tiên em làm bài kiểm tra bị điểm kém, lúc ấy em vô cùng thất vọng về bản thân. Em nói với mẹ với vẻ cộc cằn: Mẹ, con không muốn đi học nữa... Hôm nay bài kiểm tra của con bị điểm kém mặc dù con đã cố gắng hết sức. Rồi mẹ dẫn em đến kệ sách, đặt vào tay em một quyển của bộ sách Chicken Soup for the Soul - Hạt giống tâm hồn… Em bắt đầu đọc những câu chuyện đầu tiên, và thật sự, em đã bị thu hút. Khi đọc, em như thấy bố mẹ, thấy bạn bè và cả chính bản thân mình trong từng mẩu chuyện nhỏ... Em biết yêu thương những người xung quanh, em biết ý nghĩa của sự tha thứ, em biết trân trọng công sức của thầy cô, cha mẹ và trên hết em biết, em đã tốt hơn rất nhiều kể từ khi đọc những câu chuyện trong bộ sách này”. Việc đọc sách đã đến với Vy một cách rất tự nhiên và bây giờ thói quen đọc sách được em duy trì mỗi ngày.
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Phòng Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ vọng thông qua hoạt động này sẽ thu hút, khuyến khích HS tham gia đọc sách và có nhiều ý tưởng sáng tạo khi đọc sách.
Cùng con tạo thói quen đọc sách
Nhà thơ Thục Linh cho rằng muốn một người trẻ có được thói quen đọc sách thì cần có lộ trình cụ thể. Anh đã chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ một phụ huynh: “Muốn trẻ thích đọc sách, trước tiên phải bám vào nhu cầu của trẻ em trước. Với trẻ càng nhỏ thì chúng chỉ hứng thú với những gì chúng thực sự quan tâm. Người lớn không thể bắt trẻ con ngồi để nghe hết những cuốn sách như Không gia đình, Tuổi thơ dữ dội... mà nên đi theo hướng giúp trẻ suy nghĩ về việc có thể tìm thấy điều trẻ muốn ở một cuốn sách. Tự bản thân trẻ con sẽ dành mối quan tâm cho sách. Nuôi dưỡng được việc này đến hết tiểu học coi như là thành công”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.