Thất nghiệp, đi tìm việc làm, nhiều công nhân, người lao động tự do ở vùng ven TP.HCM sập bẫy đa cấp biến tướng, để rồi cuộc sống đã khó khăn giờ đây rơi vào bi kịch không lối thoát.
CẦU CỨU CÔNG AN
Mới đây, Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của nhóm công nhân, người lao động tự do ở H.Củ Chi (TP.HCM) về việc bị nhóm người bán hàng đa cấp dụ dỗ, lừa gạt đóng tiền hơn 1,5 tỉ đồng... Quá trình xác minh, PV Thanh Niên xác định đây là hình thức bán hàng đa cấp trái phép, núp bóng hộ kinh doanh cá thể (gọi tắt cơ sở) mà báo từng phản ánh nhiều lần trong thời gian qua.
Chiều 20.5, PV hướng dẫn 5 nạn nhân đến Công an H.Củ Chi nộp đơn tố cáo hành vi "bán hàng đa cấp trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cho vay nặng lãi" của nhóm bán hàng đa cấp nói trên.
Cụ thể, 5 nạn nhân (gồm L.T.T, 40 tuổi; T.V.H, 23 tuổi; N.M.Đ, 21 tuổi; B.T.N, 32 tuổi; P.V.Â, 26 tuổi) tố cáo bà P.T.H (38 tuổi, quê Nghệ An) là người đứng đầu cơ sở ở Củ Chi thuộc hệ thống kinh doanh VCĐ. Hệ thống này do ông V.C.Đ (quê Thái Bình) điều hành, có 6 cơ sở tại các quận, huyện: 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Củ Chi và nhiều địa điểm khác ở các khu công nghiệp (Bình Dương).
Theo đơn tố cáo gửi đến Báo Thanh Niên và Công an H.Củ Chi, các nạn nhân cho hay cơ sở tại H.Củ Chi được mở năm 2020. Sau đó, những người tại cơ sở này dán tờ rơi, đăng quảng cáo tuyển dụng nhân viên làm thời vụ bán hàng, kiểm tra kho, làm giấy tờ xuất hàng… với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, thông qua tờ rơi quảng cáo, nhóm công nhân nói trên do đang thất nghiệp nên tìm đến cơ sở của bà P.T.H phỏng vấn xin việc. Tại đây, các công nhân bị bà P.T.H và nhiều người khác dụ dỗ mua thực phẩm chức năng với giá 11 triệu đồng/đơn hàng với lời hứa hẹn đầu tư càng nhiều thì lợi nhuận càng cao, thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Đồng thời, công nhân giới thiệu càng nhiều người vào đầu tư nhánh sẽ được hoa hồng, chiết khấu và nâng cấp bậc quản lý. Những lời nói ngọt, lời hứa chia lợi nhuận cao của bà P.T.H đã khiến các công nhân tin tưởng, gom góp tiền tiết kiệm, cầm cố giấy tờ nhà vay nóng xã hội đen, mượn người thân để đầu tư...
Xem nhanh 20h ngày 27.5: Dính bẫy hẹn hò thành ‘con mồi’ đa cấp | Cựu cảnh sát buôn lậu lãnh án
Sau khi đầu tư với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng vào cơ sở của bà P.T.H, các công nhân bắt đầu được đào tạo các hình thức tìm kiếm khách hàng, lôi kéo người thân vào đầu tư. Càng làm, các công nhân nhận thấy công việc tại đây có dấu hiệu đa cấp biến tướng và lừa gạt người khác nên nghỉ việc, đòi lại tiền, nhưng không được. Công nhân yêu cầu lấy hàng đã đầu tư thì phía bà H. nhiều lần hứa hẹn, không chịu trả hàng.
Bên cạnh đó, trong đơn tố cáo gửi đến Công an H.Củ Chi, nhóm công nhân cho biết hệ thống VCĐ có dấu hiệu liên kết với nhóm xã hội đen gồm một số người tên Hoan, Ngoan, Hậu để cho vay lãi suất cao, sẵn sàng đe dọa nếu ai đứng ra tố cáo.
CÔNG NHÂN NHIỀU NƠI TỐ CÁO HỆ THỐNG VCĐ
Liên quan đến hoạt động của hệ thống VCĐ, một số công nhân (là nạn nhân bị dụ dỗ đầu tư đa cấp tại các chi nhánh Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân) đã làm đơn tố cáo hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ" của những người đứng đầu tại các chi nhánh này.
T.V.H (28 tuổi, quê Quảng Nam) làm công nhân tại một công ty trên địa bàn H.Bình Chánh (TP.HCM), trong một lần vào hội nhóm hẹn hò trên mạng xã hội đã quen biết và trò chuyện với cô gái tên N.T.Tr. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, Tr. hẹn H. đi chơi.
Gặp mặt, Tr. cho hay hiện làm quản lý tại một công ty chuyên cung cấp thực phẩm chức năng ở TP.HCM và có ý định muốn giúp H. trong công việc, "thoát khỏi cuộc sống khổ cực của công nhân để trở thành doanh nhân". Tin tưởng và có tình cảm với Tr., H. bắt đầu theo chân Tr. tham gia các buổi học, gặp gỡ nhiều người thành đạt tại cơ sở (trên đường TTN 17, P.Tân Thới Nhất, Q.12). Sau các buổi này, H. được hướng dẫn mua gói thực phẩm chức năng 11 triệu đồng để trở thành nhân viên chính thức của công ty.
Làm việc tại cơ sở ở Q.12 (đây là căn nhà 3 tầng, gắn biển "cơ sở kinh doanh Trường Tiến" thuộc hệ thống VCĐ - PV), H. được Tr. và các nhân viên tại đây yêu cầu ứng tiền để ký nhận sản phẩm như một hình thức đặt cọc, khi bán được hàng sẽ được nhận phần trăm hoa hồng theo doanh số và cấp bậc.
H. bị những người ở đây nhồi nhét thông tin, tư tưởng đầu tư càng nhiều thì không cần phải làm mà vẫn giàu có. Để có tiền đầu tư, Tr. hướng dẫn H. cách đi vay tiền của các công ty tài chính, nói dối gia đình mượn tiền, cầm cố xe máy. H. đã tin tưởng và đầu tư với số tiền 165 triệu đồng.
Sau một thời gian làm việc, H. không có thu nhập vì không tìm kiếm được khách hàng đầu tư, nhận thấy công việc mình đang làm là nghĩ ra nhiều chiêu trò để nói dối, lừa bạn bè, người thân vào đầu tư đa cấp nên xin nghỉ việc. Tiếp đó, H. làm đơn tố cáo Tr. và những người làm trong cơ sở Q.12 thuộc hệ thống VCĐ lên Công an TP.HCM, Công an Q.12.
"Cuộc sống công nhân đã quá khổ, giờ đây dính phải đa cấp lừa đảo, tôi phải gồng gánh nợ xấu, tiền lãi vay hằng tháng. Trong khi đó, nhóm lừa đảo đa cấp núp bóng cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động công khai trong thời gian dài, để giăng bẫy những công nhân nhẹ dạ cả tin như tôi. Từ đó đã đẩy công nhân xuống "vực thẳm" cuộc đời", H. ngậm ngùi chia sẻ.
Chưa hết, chị P.T.M.D (22 tuổi) đã làm đơn tố cáo N.H.S, N.T.K.N, H.T.S làm tại cơ sở trên đường Tên Lửa, Q.Bình Tân của hệ thống VCĐ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán hàng đa cấp.
Theo D., cuối năm 2021, sau dịch Covid-19, TP.HCM mở cửa trở lại, D. bắt đầu đi tìm việc. Theo thông tin tuyển dụng, D. được H.T.S đưa đến cơ sở ở Q.Bình Tân phỏng vấn. Sau đó, H.T.S được nhiều người tại đây dẫn dắt đầu tư sản phẩm với số tiền hơn 200 triệu đồng. Số tiền này là một phần D. tích góp, còn lại đi vay mượn của công ty tài chính. Khi phát hiện bị lừa, D. xin nghỉ việc, đòi trả hàng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hàng hóa đã đầu tư.
Tương tự, 2 nạn nhân H.N.K.C và N.T.N.Ng đã có đơn tố giác tội phạm đối với N.N.Th (người của chi nhánh thuộc hệ thống VCĐ ở đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. C. và Ng. là hai công nhân trong quá trình đi tìm việc làm đã bị Th. dụ dỗ, lôi kéo đầu tư đa cấp khoảng 450 triệu đồng. Sau khi xin nghỉ việc, phía Th. đã không giao hàng lại cho cả 2 công nhân này... (còn tiếp)
Công an TP.HCM từng truy tìm V.C.Đ liên quan đến lừa đảo trong kinh doanh đa cấp
Tháng 4.2014, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Sỹ Đại (Giám đốc Công ty CP Vaphuco ở Q.3, TP.HCM) về tội "sử dụng mạng internet, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Công ty CP Vaphuco hoạt động theo phương thức kinh doanh đa cấp bất chính nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư tham gia chương trình do công ty đặt ra. Liên quan đến vụ án này, Công an TP.HCM đã ra thông báo truy tìm giám đốc hoặc quản lý một trong những chi nhánh của Công ty CP Vaphuco, để làm rõ. Đáng chú ý, trong 7 người bị Công an TP.HCM truy tìm thì có V.C.Đ.
Bình luận (0)