Như Thanh Niên thông tin, thời gian gần đây, người sử dụng thuê bao di động khốn khổ vì bị tin nhắn, cuộc gọi rác "nã" vào đầu đủ các loại, từ PR, quảng cáo đến mời gọi dịch vụ nhạy cảm... Chị N.K, ngụ tại Q.4, TP.HCM, thường xuyên căng thẳng vì áp lực công việc, nhưng đối với chị không đáng sợ bằng những cuộc gọi lạ chào mời đủ loại dịch vụ bất kể ngày đêm.
"Vì công việc thường xuyên giao tiếp nên tôi buộc phải nghe điện thoại của khách hàng, nhưng gần đây tôi thấy số lạ thì phải tắt luôn vì sợ nghe các cuộc gọi rác. Không hiểu sao dạo gần đây hình thức này bùng phát dữ dội, cứ chặn số này thì số khác lại gọi đến. Bực bội nhất là những cuộc gọi vào lúc đang nghỉ ngơi, hoặc sắp đi ngủ", chị N.K than phiền.
Bà T.T.N.Y, ngụ tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể trường hợp của mình: "Tôi lớn tuổi rồi, hằng ngày chỉ ở nhà làm việc nội trợ phụ giúp con cái. Tôi đâu có đi đâu xa khỏi nhà và cũng không kinh doanh gì nhưng thường xuyên nhận được các cuộc gọi chào mời mua bán chứng khoán, sàn giao dịch gì đó. Không hiểu sao họ có đầy đủ họ tên và số điện thoại của mình, khiến tôi rất lo lắng".
Không chỉ nhận được cuộc gọi rác, gần đây các tin nhắn rác cũng thường xuyên "khủng bố" tràn ngập điện thoại người dùng. Chị H.M, nhân viên văn phòng tại Q.3 (TP.HCM), bức xúc: "Gần đây không hiểu tại sao lại xuất hiện nhiều tin nhắn quảng cáo dịch vụ "nhạy cảm" và các tệ nạn xã hội như bài bạc, mại dâm một cách công khai như vậy. Tôi không bao giờ nhấp vào đường link hay nhắn tin theo hướng dẫn, tuy nhiên những từ ngữ quảng cáo phản cảm đập vào mắt khiến tôi rất khó chịu"...
Đâu lại vào đấy
Nạn tin nhắn, cuộc gọi rác hoành hành khiến dư luận bức xúc. "Ngày nào tôi cũng nhận được ít nhất vài cuộc gọi hoặc tin nhắn rác quảng cáo đủ thứ dịch vụ trên trời dưới đất. Đúng là kiểu khủng bố tinh thần. Số điện thoại làm ăn không nghe không được, nhiều khi đang có việc gấp mà có cuộc gọi, bấm nghe thì gặp quảng cáo. Tức lộn ruột! Vừa rồi đã chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại, tôi nghĩ lẽ ra vấn nạn này phải được dẹp tận gốc rồi, chứ đâu phải vẫn như cũ thế này", BĐ Tiến Đức bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Trung ý kiến: "Sau khi chuẩn hóa SIM thuê bao chính chủ thì tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác có lắng xuống, giờ thì đâu lại vào đấy. Vậy việc chuẩn hóa thông tin thuê bao làm xong cho có chứ không phát huy tác dụng gì sao. Nếu có thì tại sao tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn tung hoành như hiện nay? Trách nhiệm của nhà mạng ở đâu?".
BĐ Huy Hiếu viết: "Hóa ra chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa rồi chẳng có tác dụng gì. Đâu lại hoàn đấy. Chúng ta đã nói rất nhiều về vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác. Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước phải mạnh tay hơn".
"Có mấy cái tin nhắn rác mà xử lý từ năm này sang năm khác vẫn chưa xong. Theo tôi thì việc dẹp tin nhắn, cuộc gọi rác không khó, quan trọng là mấy ông mấy bà có chịu làm hay không mà thôi", BĐ Long Giang thẳng thắn.
Phải xử lý từ gốc
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nói thẳng: "Khi cơ quan quản lý đưa ra giải pháp thu hồi SIM không chính chủ, tôi đã dự báo phương cách này không xử lý được nạn tin nhắn rác bởi lô SIM này đã cũ, không còn sử dụng trong thời gian dài. Các đối tượng rải "spam" điện thoại, tin nhắn đã thay đổi số khác và cách thức khác. Để khắc phục triệt để hành vi làm phiền người dùng điện thoại, chỉ có thể phạt thật nặng các đại lý vi phạm và các doanh nghiệp viễn thông để xảy ra tình trạng này. SIM rác, SIM khuyến mãi vẫn là nguồn thu rất lớn của các nhà mạng, do đó để cho họ tự "đạp đổ" nồi cơm của mình là rất khó".
Đồng quan điểm với ông Võ Đỗ Thắng, BĐ Vũ Hoàng cho rằng: "Kiên quyết ngăn chặn, xử lý từ gốc là đúng đắn và hiệu quả nhất". "Định danh đã có chi tiết rồi, tất cả các thuê bao di động đang hoạt động cũng đã được chuẩn hóa thông tin rồi mà giờ xuất hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác thì cứ chỗ ông nhà mạng mà phạt thôi. Vi phạm liên tục thì cân nhắc rút giấy phép. Nghiêm trọng hơn thì chuyển cơ quan công an. Chỉ khi chúng ta xử lý từ gốc rễ của vấn đề một cách nghiêm khắc thì vấn nạn này mới chấm dứt", BĐ này góp ý thêm.
Tương tự, BĐ Đoàn Hòa đề nghị: "Cứ phát hiện một số điện thoại nhắn tin lừa đảo quảng cáo nhà mạng phải cắt ngay số thuê bao đó khi nhận được phản ảnh. Nếu nhà mạng không biết số điện thoại lừa đảo của ai (SIM rác) phạt nhà mạng 500 triệu đồng/trường hợp. Vậy mới đưa hệ thống thông tin viễn thông vào quy củ".
"Khi người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo thì xử lý như một bằng chứng rồi chuyển cho cơ quan công an. Đơn vị này sẽ làm việc trực tiếp với nhà mạng để lấy các thông tin liên quan đến chủ sở hữu thuê bao này. Nếu chủ sở hữu thuê bao không có thật thì nhà mạng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, vì nó được đăng ký bằng thông tin giả. Sau đó tùy mức độ mà xử phạt nhà mạng bằng tiền với mức phạt từ 100 triệu đồng/vụ trở lên. Nghiêm trọng hơn thì xem xét trách nhiệm hình sự... Tôi tin nếu làm như thế này thì đảm bảo vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác sẽ bị dẹp trong một nốt nhạc", BĐ Mai Đình nêu.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 30.8
Bình luận (0)