Nhận biết thông tin lừa đảo

24/08/2022 04:18 GMT+7

Chuyện 42 người Việt tháo chạy khỏi sòng bài ở Campuchia , đến mức phải nhảy sông để thoát thân, ngoài việc khiến chúng ta cảm thấy xót xa cho thân phận của đồng bào, liệu có buộc chúng ta phải nghĩ thêm, nghĩ cho thấu đáo những điều cần làm để ngăn chặn những chuyện tương tự trong tương lai?

Nguồn cơn vẫn là bắt đầu từ một kịch bản lừa đảo không có gì mới: “việc nhẹ lương cao”.

Đương nhiên rồi, gốc vấn đề trước tiên sẽ trỏ về nhận thức, hiểu biết của người dân, trỏ về trình độ dân trí. Để rồi, chúng ta dễ dàng buông câu thảng thốt: “Ai bảo ham ráng chịu”. Nhưng rồi cũng chính chúng ta thôi, khi nghe chuyện đồng bào mình sập bẫy lừa tới mức suýt mất cả mạng, thì lại giật mình nhận ra dường như mình chưa chung tay góp sức cho một cuộc chiến không hề đơn giản: cuộc chiến chống lừa đảo, bắt đầu từ lừa đảo thông tin.

Những đối tượng nào dễ bị tổn thương trong ma trận lừa đảo thông tin hiện nay? Đứng đầu danh sách là những người dân hạn chế về năng lực tiếp nhận thông tin, không đủ khả năng để nhận biết thông tin lừa đảo. Nhất là khi bọn lừa đảo giăng ra những bẫy thông tin phức tạp, tinh vi và hấp dẫn. Không ít trong số đó là người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa, không bao quát được thông tin về thị trường lao động, bản thân lại bị những nhu cầu cấp bách về sinh kế đè nặng nên dễ lao theo mồi bẫy “việc nhẹ lương cao”.

40 người chạy từ casino Campuchia về VN: không được trả lương, bị hành hung dã man

Vấn đề đặt ra với tất cả chúng ta không phải là chuyện buông những câu bình luận kiểu “ai bảo ham ráng chịu”, mà là đóng góp những việc cần kíp hơn để giúp hạn chế tối đa số người sập bẫy lừa đảo thông tin - không chỉ lừa “việc nhẹ lương cao” mà lừa qua mạng viễn thông kiểu công an, tòa án, viện kiểm sát mời làm việc... Làm sao để những thông tin hướng dẫn người dân cách nhận biết thông tin lừa đảo thật sự đến được với những đối tượng dễ bị lợi dụng?

Không phải đơn giản chỉ đọc ra rả trên loa đài, “loa xã” những thông báo lưu ý này nọ là đủ để giúp người dân tránh dính bẫy lừa. Cần có những chương trình hướng dẫn cụ thể về năng lực tiếp nhận thông tin, chỉ dẫn ở mức huấn luyện “cầm tay chỉ việc” người dân nhận biết dấu hiệu thông tin lừa đảo. Bằng tranh ảnh, bằng việc giúp người dùng mạng xã hội theo dõi các trang thông tin chính thống, đưa báo về nông thôn, truyền thông đến cả các tổ chức chùa, nhà thờ… Hãy bắt đầu từ mạng lưới truyền thông cơ sở với đội ngũ các tổ chức đoàn thể - xã hội gần với dân nhất. Các tuyên truyền viên cấp cơ sở nên bổ sung vào nhiệm vụ của mình không chỉ là những bài tuyên truyền thiên về chính trị, mà nên chú trọng đến những câu chuyện gắn với mục tiêu bảo vệ người dân trước những tấn công nguy hiểm của ma trận lừa đảo.

Hãy bắt đầu từ trường học, nơi mà các thầy cô giáo có thể giúp học trò mình và gia đình các em có đủ hiểu biết và kỹ năng cần thiết để không bị lung lạc bởi những cám dỗ lừa đảo. Từ các em để lan tỏa thông tin đến gia đình mình, hàng xóm láng giềng...

Chúng ta cần giúp người dân hiểu, thực hành những chỉ dẫn rõ ràng về tiếp nhận thông tin để tránh dính bẫy lừa đảo, chứ không chỉ là tiếp tục hô hào chung thiếu tính thực hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.