Khi Dũng khùng thôi không "khùng" nữa
Trong nền điện ảnh Việt Nam đương đại, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hay còn gọi là Dũng khùng, cùng với Vũ Ngọc Đãng, Lê Hoàng... là những người tiên phong trong việc mang đến cho khán giả những bộ phim giải trí, mang đậm tính thị trường nhưng vẫn cố gắng giữ được cái chất nghệ thuật tối thiểu cần có.
Trở lại với khán giả qua bộ phim Dạ cổ hoài lang năm nay, "công việc" của Nguyễn Quang Dũng thoạt nghe qua có vẻ khá... nhẹ nhàng vì đây là một tác phẩm được chuyển thể từ một tác phẩm kịch ăn khách trong suốt hơn hai thập niên qua, tuy nhiên, mọi thứ lại không thực sự dễ dàng đến vậy. Dạ cổ hoài lang là một kịch bản sân khấu khá đơn giản, trong khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vốn quen với lối làm phim hài với kiểu dẫn dắt có phần “cà tưng”, nên phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình là một thử thách với anh.
|
May mắn thay, anh đã thành công. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của Dạ cổ hoài lang là một Nguyễn Quang Dũng đã hết “khùng”. Anh thật khác với mình trước kia khi xử lý tác phẩm này một cách tròn trịa, tinh tế và không hề… làm quá. Dạ cổ hoài lang được phục dựng trên một cái nền mang phong cách cổ điển và có phần… già cỗi, qua bàn tay anh đã trở nên mới mẻ, sinh động hơn. Dù câu chuyện vẫn đơn giản như cũ, dù bối cảnh không quá nhiều, dù dàn diễn viên không quá đông, Nguyễn Quang Dũng vẫn có thể thu hút được sự chú ý của người xem đến tận những giây phút cuối của tác phẩm.
Chất hoài niệm “lại” lên ngôi
Trong nền điện ảnh thế giới, những bộ phim mang tính hoài niệm vẫn luôn là những bộ phim được nhiều khán giả yêu thích. Điểm mạnh của những tác phẩm này là chúng đánh được vào những cảm xúc sâu kín nhất của người xem, gợi lên được tình yêu, nỗi nhớ, và hồi cố về một quãng thời gian quá vãng tươi đẹp. Boyhood, The Artist, Moonrise Kingdom hay Midnnight in Paris là những bộ phim như thế. Nó khiến khán giả mê đắm trong ký ức của những thời vàng son, qua đó làm dấy lên nỗi đau của sự trần trụi và gai góc ở thực tại.
Ở Việt Nam, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một bộ phim theo phong cách hoài niệm từng rất thành công. Cũng có công thức khá tương tự như Dạ cổ hoài lang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh dù có kịch bản khá đơn giản nhưng lại may mắn hưởng lợi từ “hào quang” có sẵn của tác phẩm gốc do Nguyễn Nhật Ánh viết ra, đồng thời chinh phục được khán giả khi đưa họ trở về với tuổi thơ tươi đẹp cùng với phong cảnh thiên nhiên đẹp mắt của quê nhà.
Dạ cổ hoài lang, dù không có quá nhiều cảnh đẹp Việt Nam, nhưng vẫn đủ để nhắc nhở mỗi con người phải rung động hồi tưởng lại thời thơ bé của mình khi cùng lớn lên với bạn bè, anh em. Và trong những phân cảnh khi bộ ba nhân vật đang bước vào thời thanh xuân, vào tuổi yêu, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại một lần nữa gợi lên sự hoài niệm ở người xem khi giúp họ nhớ về thời còn là thanh niên, thiếu nữ của mình.
|
Là một bộ phim đậm chất hoài niệm như thế, Dạ cổ hoài lang có lẽ đã làm tròn được nhiệm vụ của mình khi mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng và chân thành nhất. Rất nhiều người xem đã ướt mắt khi bước ra khỏi rạp vì cảm thương cho số phận của hai nhân vật, vì thấy mình trong đó. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, với tâm thế của một “hậu bối” hồi sinh một tác phẩm lớn, có lẽ cũng chỉ cần đến thế. Và anh đã lại một lần nữa, sau Victor Vũ, chứng minh được rằng tính hoài niệm vẫn luôn là một con át chủ bài trong điện ảnh, đặc biệt là thực trạng người đi xa xứ ở Việt Nam khá cao.
Những hạt sạn đáng tiếc
Dầu là một bộ phim đẹp, Dạ cổ hoài lang dưới bàn tay của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tiếc thay, vẫn còn một vài hạt sạn đáng tiếc. Việc chuyển cảnh qua quá nhiều giai đoạn đan xen nhau (một thủ thuật hòng làm đa dạng cảnh phim, giúp người xem đỡ bị nhàm chán) đã khiến ê-kíp biên kịch, biên tập lẫn hậu kỳ bị lộ ra quá nhiều điểm yếu. Màu phim được xử lý chưa tốt và chưa tạo ra được bản sắc riêng của từng giai đoạn thời gian. Ngay cả trong cùng một giai đoạn, vẫn có những lúc tông màu phim lệch nhau.
Với dàn nhân vật thì đa số đều rất tròn trịa. Bỏ qua độ hòa hợp dễ hiểu của Hoài Linh - Chí Tài thì việc lựa chọn Johnny Văn Trần và Trish Lê vào vai con và cháu của nhân vật Tư Lành là một lựa chọn khá đắt giá. Tuy nhiên, nhân vật của cậu bạn trai thì lại bị bỏ lửng và xử lý chưa tốt, còn rất gượng gạo, chưa nêu bật được tầm quan trọng của người này trong phim. Đó là chưa kể những cảnh hài trong phim đôi khi bị xử lý khá vụng như đoạn cả nhà cùng nhau bắt chú vịt bị thoát ra khỏi từ tay Hoài Linh. Đoạn này được quay, dựng khá thô sơ và không mang lại một chút cảm xúc gì cho khán giả.
Nhìn chung, Dạ cổ hoài lang không phải là một bộ phim hoàn hảo, nhưng trên tinh thần thì tác phẩm đã khá thành công khi chinh phục và chạm được tới trái tim người xem.
Bình luận (0)