‘Dạ cổ hoài lang’ - ngọt ngào phiên bản cải lương

Hoàng Kim
Hoàng Kim
10/01/2023 21:30 GMT+7

Dạ cổ hoài lang - vở kịch nổi tiếng của cố tác giả Thanh Hoàng được “ông bầu” Gia Bảo cho chuyển thể cải lương, ra mắt khán giả đêm 8.1 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM), đã không phụ lòng khán giả.

Thực sự là một áp lực với ê kíp sản xuất, bởi Dạ cổ hoài lang đã in sâu vào ký ức người xem với bóng dáng của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh. Vì vậy phiên bản cải lương phải tìm ra lối đi riêng của mình, vừa giữ được cốt lõi câu chuyện, vừa giữ được chất cải lương. Rất mừng khi Dạ cổ hoài lang (chuyển thể Lâm Hữu Tặng, đạo diễn NSND Thanh Điền, cố vấn NSƯT Bảo Quốc) đã đáp ứng những tiêu chí đó.

NSƯT Bảo Quốc và NSƯT Vũ Luân trong vở cải lương Dạ cổ hoài lang

H.K

Với dàn nghệ sĩ hầu hết là “ngôi sao”, vở cải lương đã đem đến cho khán giả những giọng ca ngọt ngào như Vũ Luân (vai ông Tư), Thanh Hằng (Lành, vợ ông Tư), Quốc Đại (ông Tư lúc trẻ), Trọng Phúc (bạn trai của cô cháu gái), Trinh Trinh (cô cháu gái), với rất nhiều bài bản phong phú, thỏa mãn dân ghiền cải lương. Còn diễn thì có Gia Bảo hài duyên (vai ông Năm lúc trẻ), Linh Tâm chững chạc (vai Nguyễn, con ông Tư), Lê Như, Nguyên Yunie trẻ trung sinh động (vai thôn nữ). Nhất là sự xuất hiện của Bảo Quốc thật hài hước duyên dáng trong vai ông Năm, đúng như khán giả mong đợi. Lớp cuối, khi hai ông già leo lên lầu cao ngồi giữa trời tuyết phủ, mà Bảo Quốc còn “vớt” thêm màn hài nữa, là dịch bài Dạ cổ hoài lang sang tiếng Anh, khiến khán giả cười rần rần. Đặc biệt vai ông Tư của Vũ Luân khiến mọi người lo ngại nhiều nhất, nhưng Vũ Luân đã làm rất tròn, từ hóa trang khuôn mặt, cho tới hóa trang giọng ca, giọng thoại, đều ra chất một người già. Vũ Luân từng đóng một số vai lão như Từ Hải Thọ, Lê Quyết, nên anh có kinh nghiệm.

NSƯT Trọng Phúc và Trinh Trinh

h.k

Những chi tiết mới được đưa vào phiên bản cải lương của Dạ cổ hoài lang khiến nội dung đầy đặn hơn, chẳng hạn tái hiện cảnh xưa khi ông Tư và ông Năm cùng yêu cô Lành, cùng hẹn hò, ghen tuông, vừa vui vừa cảm động, hoặc thêm nhân vật Nguyễn, con ông Tư, làm cầu nối cho hai thế hệ, bật lên sự thiếu sót về truyền trao văn hóa, hoặc nhân vật bạn trai của cô cháu gái có những lời khuyên can, giải thích rất rõ về sự khác biệt văn hóa của phương Tây và phương Đông. Chỉ tiếc một chút, không cần cho cô cháu gái gào khóc như trong vở diễn, vì dù cô đã được giải thích nhưng tâm lý chỉ có thể chuyển biến và dừng ở sự cảm thông, chấp nhận, chứ chưa thể nào đạt đến sự gắn bó, thương yêu sâu sắc đến mức ấy. Chỉ cần cô lặng lẽ chảy nước mắt là đủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.