(TNO) 20 năm in sâu trong trái tim khán giả, kịch bản Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng vừa có sự tái ngộ đầy ngoạn mục tại sân khấu kịch Idecaf, TP.HCM với một diện mạo mới dưới bàn tay đạo diễn Vũ Minh.
|
So với các phiên bản cũ ở Sân khấu Nhỏ, bản dựng mới có nhiều sự thay đổi về mặt cảnh trí để phù hợp với không gian rộng lớn của sân khấu hộp. Nhiều chi tiết được thêm vào như bình hoa, cây cầu khỉ, những cái bục đầy màu sắc góp phần thỏa mãn phần “nhìn” của khán giả. Đạo diễn Vũ Minh đã mạnh dạn xử lý bức tranh quê hương của ông Tư treo lên nhân ngày giỗ vợ mang tính tả thực. Thực chất, đó vẫn là những nét vẽ vụng về của ông già xa xứ, nhưng dưới con mắt của ông và ông Năm thì bức tranh làng quê Việt Nam lại thân thương và thật hơn bao giờ hết.
|
Bên cạnh đó, tiết tấu vở diễn cũng được đẩy nhanh hơn, lược bỏ một số chi tiết và lời thoại không còn phù hợp với thời đại, như hình ảnh cây cầu khỉ đã không còn xa lạ với thế hệ trẻ Việt kiều qua các phương tiện truyền thông, hay cách giao tiếp bằng cơ thể khá ngô nghê của người già nay sẽ dễ gây phản cảm… nhường chỗ cho sự quăng bắt ăn ý, nhuần nhuyễn của bộ đôi Thành Lộc - Hữu Châu.
|
Trở lại với vai diễn từng gắn bó với mình suốt 400 suất diễn, NSƯT Thành Lộc vẫn có cách xử lý mới trong diễn xuất. Dường như những trải nghiệm của tuổi đời và kỹ thuật diễn xuất điêu luyện được trui rèn qua thời gian đã làm ông Tư của Thành Lộc tuy bề ngoài có vẻ tươi tắn hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng ẩn sâu trong những lời thoại dí dỏm, những câu nói bông đùa vui vẻ với cháu gái lại là nỗi cô đơn sâu lắng, nghẹn ngào dồn nén vào tận đáy lòng.
|
Bên cạnh sự trở về của ông Tư Thành Lộc, khán giả lại được thưởng thức một ông Năm rất khác bằng diễn xuất của NSƯT Hữu Châu. Ít đi một chút tinh khôn, ít đi một chút dáng vẻ “tỉnh như ruồi” rất bợm của NSUT Việt Anh, ông Năm Hữu Châu có phần chân chất, mạnh mẽ và “ba gai” hơn nhưng không hề kém phần uẩn ức và tâm trạng. Ông dễ kích động, dễ nổi giận khi biết đứa con ông Tư vắng mặt trong ngày giỗ má, thậm chí lớn tiếng chửi thề rồi xưng hô “mày, tao” với ông bạn già khi bị nhắc lại mối tình đầu bị phỗng tay trên. Vậy đó, nhưng ông tình cảm lắm, sẵn sàng đứng ra bênh vực, an ủi bạn mình bằng tất cả nỗi cảm thông sâu sắc.
|
Vai diễn chàng trai và cô cháu gái lần này do hai diễn viên trẻ là Lương Thế Thành, Vân Trang đảm nhiệm. Ngoại hình trong trẻo của Lương Thế Thành rất phù hợp với một chàng trai biết thông cảm và xúc động. Vân Trang cũng đã thể hiện xuất sắc tính cách bướng bỉnh và sự xa lạ đối với thế hệ trước của những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài.
Ở cảnh cuối vở diễn, khán giả lâu năm của Dạ cổ hoài lang có lẽ sẽ nhận ra một chi tiết đặc biệt rất khác so với các bản dựng trước và có lẽ cũng là chi tiết đắt giá nhất của đạo diễn Vũ Minh: Ông Tư đã trút hơi thở cuối cùng ở tư thế quay lưng lại với khán giả. Chính bóng lưng ấy đã gợi lên hết tất cả nỗi niềm của người già xa xứ, sống và chết cô độc giữa bốn bức tường đẹp đẽ, giàu có nơi đất khách quê người.
|
Sau 20 năm, Dạ cổ hoài lang vẫn một câu chuyện cũ, vẫn với bốn nhân vật ấy, nhưng cảm xúc thì cứ mới nguyên như ngày nào, rung động và thổn thức, bằng chứng là những giọt nước mắt lăn dài trên má khán giả và tiếng vỗ tay vang động khán phòng.
Bài, ảnh: Hoàng Kim
>> Tuổi 20 của 'Dạ cổ hoài lang
>> Tôi tỏa sáng: Minh Thư cùng mẹ song ca 'Dạ cổ hoài lang
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 28: Giai thoại 'Dạ cổ hoài lang
>> NSƯT Thanh Hoàng: Sẽ có Dạ cổ hoài lang 2
>> Tôi phục hiện "Dạ cổ hoài lang
Bình luận (0)