Đã có kết quả rà soát các ứng viên GS, PGS y dược bị tố cáo

Quý Hiên
Quý Hiên
30/10/2020 16:04 GMT+7

Theo kết quả rà soát các ứng viên bị tố cáo của hội đồng GS các ngành y dược, tất cả ứng viên ngành dược đều đạt yêu cầu số lượng bài báo quốc tế, ngành y cũng chỉ có vài ứng viên không đạt yêu cầu.

Sáng nay, 30.10, Hội đồng GS ngành Y học đã gửi thông báo cho các thành viên bản báo cáo kết quả rà soát các ứng viên bị tố cáo không đạt yêu cầu về số lượng bài báo quốc tế hoặc thâm niên giảng dạy của hàng chục ứng viên của 2 hội đồng y và dược.
Đây là kết quả cuộc họp chung của 2 hội đồng y dược diễn ra trong cả ngày hôm qua, 29.10. GS Nguyễn Ngọc Châu, người tự thẩm định hồ sơ của các ứng viên ngành y, dược bị tố cáo và đã viết báo cáo gửi Hội đồng GS Nhà nước, cũng được dự phần đầu cuộc họp này.
Báo cáo của Hội đồng GS ngành Y học, nhưng có đủ chữ ký của chủ tịch 2 hội đồng y và dược, gồm GS Lê Quan Nghiệm, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Dược học và GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y học.
Theo báo cáo, ngành y có 33 ứng viên GS, PGS được phản ánh và đề nghị xem xét thẩm định lại trong đó bao gồm cả các ứng viên không đủ phiếu tín nhiệm khi bầu tại Hội đồng GS ngành Y học, một số ứng viên đã có đơm xin rút khỏi danh sách ứng viên năm 2020...

Chỉ 2 ứng viên ngành y bị hội đồng ngành “xét nhầm”

Kết quả rà soát cụ thể như sau:
Có 4 ứng viên có các bài báo đã accepted (được chấp nhận đăng) trên Tạp chí GMR nhưng cho đến nay chưa được xuất bản chính thức. Theo quy định, đối với các bài báo đã được chấp nhận đăng và đã có thông báo, xác nhận của cơ quan tạp chí trước ngày 30.6.2020 vẫn được hội đồng chấp nhận với lý do chậm đăng bài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu trước phiên họp của Hội đồng GS Nhà nước mà các bài báo trên chưa được xuất bản chính thức thì không được đưa vào để tính số lượng bài báo quốc tế uy tín.
Vì thế, ngay sau cuộc họp của Hội đồng GS ngành Y kết thúc, hội đồng ngành đã báo cáo Hội đồng GS Nhà nước cũng như đã thông báo cho các ứng viên này về việc này. Như vậy, việc các ứng viên là tác giả các bài báo này có được đưa vào danh sách Hội đồng GS Nhà nước xét hay không là chưa chắc chắn. Thông báo viết: “GS Nguyễn Ngọc Châu cũng hoàn toàn đồng thuận với ý kiến, kết quả và cách giải quyết này của Hội đồng GS ngành Y học”.
Với nhóm ứng viên được cho là có bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế không uy tín, các hội đồng ngành y dược và GS Nguyễn Ngọc Châu đã họp và thống nhất cách hiểu thế nào là tạp chí quốc tế uy tín. Theo đó, những tạp chí quốc tế được cho là uy tín gồm tạp chí nằm trong các danh mục WOS (ISI), Scopus, Pubmed, theo quy định của Hội đồng GS Nhà nước.
Ngoài ra, còn có một số tạp chí cụ thể theo nghị quyết của các hội đồng ngành. Riêng ngành y cũng đã có một nghị quyết trong đó thông qua danh sách tạp chí quốc tế uy tín (tại phiên 2 của Hội đồng GS ngành Y ngày 17.9.2020). Thời gian xuất bản được tính khi các tạp chí uy tín còn nằm trong danh mục và chất lượng bài báo quốc tế uy tín là quan trọng nhất.
Với nhóm này, số lượng ứng viên được rà soát là 29 người, trong đó có 2 ứng viên PGS không đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng GS ngành Y khi bầu, 1 ứng viên không đủ bài báo quốc tế và 1 ứng viên PGS thiếu thâm niên giảng dạy đã có đơn gửi Hội đồng GS Nhà nước và Hội đồng GS ngành Y xin rút khỏi danh sách ứng viên PGS năm 2020.
Kết quả rà soát dựa trên các tiêu chí về bài báo quốc tế uy tín đã được cả 2 hội đồng và GS Nguyễn Ngọc Châu thống nhất cho thấy có 25 ứng viên đủ các điều kiện về các bài báo quốc tế uy tín.
Nếu đến trước ngày Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp mà cả 4 ứng viên có các bài báo quốc tế đang hiện ở trạng thái “được chấp nhận đăng” chuyển sang trạng thái đã được xuất bản thì ngành y sẽ có 29 ứng viên GS, PGS đủ điều kiện đưa vào danh sách để Hội đồng GS Nhà nước xét duyệt.
Theo phân tích của Báo Thanh Niên, danh sách 40 ứng viên GS, PGS mà Hội đồng GS ngành Y đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét duyệt sẽ giảm tối thiểu 2 người (đã xin rút), tối đa 6 người (nếu đến ngày Hội đồng GS Nhà nước mà các bài báo diện “được chấp nhận đăng” của tất cả 4 ứng viên nhóm 1 vẫn chưa được đăng). Điều này có nghĩa chỉ có 2 ứng viên bị hội đồng “xét nhầm”.
Báo cáo của ngành y gửi Hội đồng GS Nhà nước cũng cho biết: “Hội đồng GS ngành Dược có 10 ứng viên, trong đó có 2 ứng viên GS, 8 ứng viên PGS. Sau khi rà soát chỉ có 1 trường hợp PGS giảm số lượng bài báo nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn tối thiểu, nên kết quả không thay đổi”.
 
Hội đồng ngành không thể xác định có việc mua bán bài báo quốc tế hay không
Báo cáo của Hội đồng GS ngành Y cho biết, sáng 29.10, 2 hội đồng ngành y và dược đã tiến hành cuộc họp, trao đổi trực tiếp với GS Nguyễn Ngọc Châu về một số nội dung liên quan đến xuất bản các bài báo quốc tế có uy tín, thâm niên giảng dạy liên quan đến hàng chục ứng viên GS, PGS mà GS Nguyễn Ngọc Châu và một số báo chí phản ánh.
Sau cuộc họp, Hội đồng GS ngành Y, Hội đồng GS ngành Dược và GS Nguyễn Ngọc Châu đã đi đến thống nhất và đồng thuận các vấn đề. Với các nội dung liên quan đến các bài báo uy tín, nội dung được 3 bên thống nhất và đồng thuận cụ thể như sau:
Cả hai hội đồng và GS Nguyễn Ngọc Châu đã thống nhất là các bài báo quốc tế uy tín phải nằm trong tạp chí có trong danh mục của Hội đồng GS Nhà nước và trong Nghị quyết của Hội đồng GS ngành Y 2020, bao gồm: WoS (ISI), Scopus, Pubmed và ESCI (theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ngày 31.8.2018) cũng như một số tạp chí đã được qui định trong Nghị quyết của Hội đồng GS ngành Y 2020.
Thời gian tính là bài báo quốc tế uy tín: được căn cứ theo năm công bố của bài báo quốc tế uy tín (theo Quyết định số 18/QĐ-HĐGSNN ngày 30.6.2020 của Hội đồng GS Nhà nước).
Nguyên tắc tra cứu báo quốc tế uy tín theo danh mục ISI, Scopus, Pubmed được tuân thủ theo Quyết định số 18/QĐ-HĐGSNN ngày 30.6.2020 của Hội đồng GS Nhà nước.
Với các ứng viên GS, PGS ngành y đăng bài trên các tạp chí quốc tế về dược học, cả 3 bên đều thống nhất: khoa học sức khoẻ là rất rộng, giao thoa nhiều chuyên ngành, đồng thời phải tôn trọng lĩnh vực xuất bản của các tạp chí quy định.
Chất lượng bài báo quốc tế uy tín do các giáo sư thẩm định và được các hội đồng thông qua phải ở mức đạt yêu cầu trở lên thì mới được chấp nhận.
Đối với các bài báo đã được chấp nhận đăng và đã có thông báo, xác nhận của cơ quan tạp chí trước ngày 30.6.2020 vẫn được chấp nhận với lý do chậm đăng bài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu trước phiên họp của Hội đồng GS Nhà nước mà các bài báo trên chưa được xuất bản chính thức thì không được chấp nhận là bài báo quốc tế uy tín.
Đối với những ứng viên đăng nhiều bài báo trên cùng một số của tạp chí hoặc nhiều bài báo trong một thời gian ngắn thì cần có quy định cụ thể của Hội đồng GS Nhà nước cho các năm tiếp theo.
Các bài báo liên quan đến tác giả Chu Đình Tới và tác giả Võ Quang Trung (ông Võ Quang Trung là ứng viên PGS ngành dược, bị tố là có hiện tượng “chạy bài”, mua bán bài báo quốc tế): về nguyên tắc là chỉ bàn và đánh giá đến vấn đề đóng góp khoa học. Các vấn đề khác liên quan đến mua bán bài báo quốc tế sẽ do cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Trong các đợt xét GS, PGS nhiều năm gần đây, ngành y là một trong những ngành có nhiều nhất số lượng ứng viên được hội đồng các cấp thông qua.
Đây cũng là ngành mà chất lượng xét ở hội đồng cấp ngành bị bàn tán nhiều nhất, đặc biệt là trong đợt xét năm 2017, với việc bà Nguyễn Thị Kim Tiến, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế, nằm trong danh sách những ứng viên phải xét lại theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trước áp lực của dư luận, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã nộp đơn xin rút hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư đợt xét 2017. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.