Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Chất lượng bài báo quốc tế đến đâu?

Quý Hiên
Quý Hiên
26/08/2020 07:41 GMT+7

Việc mua bán bài báo khoa học để đạt 'đẳng cấp quốc tế' mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một ví dụ điển hình khiến nhiều nhà khoa học đặt câu hỏi về phát triển nghiên cứu khoa học không thực chất.

60 bài báo khoa học/năm/người ?

Nhiều nhà toán học ngỡ ngàng khi biết thông tin, theo bảng xếp hạng ARWU 2020 của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) trong lĩnh vực toán học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp số 1 Việt Nam! Trong bảng xếp hạng này ở lĩnh vực toán học, trường nằm ở top 301 - 400 thế giới. Trong top 500 ngành toán không có thêm trường nào của Việt Nam.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, chia sẻ: “Tôi tra cứu cơ sở dữ liệu của Hội Toán học Mỹ và phát hiện một số nhà toán học không công tác ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng trong những năm gần đây, mỗi năm công bố tới hơn 10 bài với địa chỉ trường này. Trong năm 2019 có 266 bài báo ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhiều gấp 4 lần số bài của Viện Toán học Việt Nam cũng trong năm đó”.
Còn GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, cũng cho biết khi tìm kiếm các công bố của một nhà khoa học được xem như một ngôi sao sáng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông nhận thấy có một số thông tin đáng ngờ về chất lượng nghiên cứu của vị này. “Có một số dấu hiệu để tôi nghi ngờ anh ta tham gia các liên minh viết bài với các tác giả từ nhiều nước như Venezuela, Tunisia, Iran, Iraq, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Ấn Độ, Kuwait, Pakistan, Morocco...”, GS Ngô Việt Trung nói.
Nhiều người cũng chia sẻ sự ngạc nhiên về “năng suất” sản xuất bài báo của một số cán bộ cơ hữu là người châu Á của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Kỷ lục là một vị người Thái Lan, năm 2019 tham gia viết khoảng 70 bài báo, năm 2020 (đến thời điểm này) tham gia viết được khoảng 30 bài báo. Một vị khác, ở Khoa Kỹ thuật công trình của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, năm ngoái cũng tham gia viết gần 60 bài báo. Một nhà khoa học bình luận: “Nếu nghiên cứu thực chất, việc một nhà khoa học viết nhiều bài báo như vậy là điều không tưởng!”.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Chất lượng bài báo quốc tế đến đâu?1

Nhiều báo khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là sự “hợp tác”, mua bán từ các tác giả người nước ngoài

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một nữ tiến sĩ vật lý cho biết gần đây trong giới khoa học nổ ra những cuộc tranh cãi dữ dội về chất lượng các tạp chí quốc tế uy tín, từ đó đòi hỏi phải tẩy chay việc đăng bài trên những tạp chí tuy nằm trong danh mục ISI (tạp chí uy tín) nhưng lại đáng ngờ về chất lượng khoa học, ví dụ như những tạp chí của Nhà xuất bản MDPI.

Tổng số các bài báo từ Việt Nam trên MDPI tính từ khi nhà xuất bản này thành lập (năm 2013) tới năm 2018 là 703 bài. Trong khi đó, số các công bố trong 2 năm 2019 và 2020 tới thời điểm này đã lên tới 1.695 bài; riêng số bài có địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 538 bài, chiếm 31,7% so với tổng số bài có địa chỉ Việt Nam đăng trên MDPI trong cùng khoảng thời gian. “Năm 2019 và 2020, cứ hơn 3 bài từ Việt Nam đăng trên MDPI thì có một bài ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng”, nhà khoa học này nhận xét.

Chủ yếu liên kết với các nước khoa học chưa phát triển

Một giáo sư trong lĩnh vực sinh học cũng nêu đích danh một số bài báo mà qua đó cho thấy “đầu tư cho khoa học” của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực sự là chỉ nhằm gia tăng số lượng bài báo chứ không phải để phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo của trường. Một bài có tên (tạm dịch) Sự chấp nhận công nghệ năng lượng sinh học tại châu Phi: tổng quan về thực trạng quá khứ và hiện tại, một bài khác là nghiên cứu các kỹ thuật GIS và Fuzzy Logic cho lưu vực sông Jemma của Ethiopia. Nếu các công trình trên do người Việt Nam nghiên cứu thì không có vấn đề, nhưng trong các đề tài kiểu này (rất nhiều trong danh sách bài báo quốc tế ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng) không có bóng dáng một nhà khoa học người Việt nào, trừ cái địa chỉ của trường!
Qua đó cho thấy việc thuê người viết bài của trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ yếu nhằm vào các nước mà quy định về quản lý các nhà khoa học và đạo đức khoa học chưa chặt chẽ, thậm chí làm khoa học “dỏm”. Cho nên, các bài báo đó dù được đăng trên các tạp chí trung bình, thậm chí hạng khá, thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không trung thực trong khoa học. “Trong số 22 bài báo của Việt Nam bị gỡ cho đến nay, có 4 bài ghi địa chỉ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, và cả 4 bài này đều là sản phẩm của “ngoại binh” đến từ những nước kém phát triển”, giáo sư này bức xúc.
Trước thông tin này, một nhà khoa học khác bình luận: “Việc dùng tiền tài trợ cho các nghiên cứu không liên quan gì đến Việt Nam thì không có gì có thể bào chữa được rằng đó là việc làm chính đáng. Phần lớn tài trợ nghiên cứu của các quỹ đều phải có yêu cầu chứng minh sự ảnh hưởng đối với xã hội (ở đây là xã hội Việt Nam vì dùng tiền của Việt Nam). Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng dùng tiền tài trợ cho các nghiên cứu này để đặt tên của trường mình là cách tăng hạng nghiên cứu không chỉ rất không liêm chính mà còn làm thất thoát ngoại tệ cho một hoạt động không liêm chính trong nền học thuật trên thế giới”. (còn tiếp)
Nhà nghiên cứu nước ngoài nói gì ?
Một nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực dược học đang làm việc ở một ĐH của Mỹ cho biết, ông đã thử liên hệ với một số người nước ngoài để hỏi về việc ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng trên một số bài báo quốc tế của họ. Một nhà toán học Pakistan đã hồi âm và chia sẻ một số thông tin. Theo nhà toán học Pakistan này, ông là giáo sư toàn thời gian của ĐH Quaid-i-Azam, nhưng được phép “làm thêm” cho các trường ĐH khắp nơi trên thế giới (chủ yếu cho Trung Quốc, Ả Rập Xê Út), với điều kiện nộp lại 30% thu nhập cho trường ĐH mà mình đang làm việc. “Tôi có nhiều bài báo ghi địa chỉ là trường ĐH của mình, đồng thời có một số bài ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng để điều hành phòng thí nghiệm của tôi và cấp học bổng cho sinh viên vì trường ĐH không hỗ trợ”, nhà toán học Pakistan giải thích.
Một số trường cũng theo con đường này
Nhiều nhà khoa học cũng thông tin, ngoài Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có một số trường ĐH khác tổ chức mua bán bài để tăng số lượng bài báo quốc tế, nhưng với cách thức tinh vi hơn. Chẳng hạn, một nhà khoa học ở ĐH Huế từng được báo chí ca ngợi do “năng suất cao” (một năm viết được 19 bài báo quốc tế) được mệnh danh là “cây bán bài” cho Trường ĐH Duy Tân.
Một nhà khoa học khác thì gửi cho Thanh Niên một bài báo đăng ở tạp chí hạng cao mà ông là tác giả liên hệ, một số đồng nghiệp khác (trong và ngoài nước) là đồng tác giả. Trong đó, 2 tác giả người Đức đều ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân. “Tôi là người làm, tôi biết chắc chắn bài báo này không hề có sự đóng góp của Trường ĐH Duy Tân. Lý do tại sao các cộng sự của tôi ghi địa chỉ này thì tôi không biết. Trong suốt quá trình làm việc, các cộng sự đó vẫn ở Đức, chúng tôi thảo luận, trao đổi qua email hoặc trực tuyến”, nhà khoa học này khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.