Đã đến lúc kiểm soát khí thải xe máy

14/07/2023 04:18 GMT+7

Sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống", ngành giao thông vận tải chính thức lên kế hoạch kiểm soát khí thải mô tô, xe máy.

Không chỉ vì vấn nạn ô nhiễm môi trường

Dự thảo luật Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến nêu quy định: "Xe mô tô, xe gắn máy (XGM) tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định". Theo lý giải của Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 chỉ ra rằng phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, XGM (xe máy) là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô. Trong khi đó, luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, XGM.

Đã đến lúc kiểm soát khí thải xe máy - Ảnh 1.

Với những lợi ích về môi trường, sức khỏe, tiết kiệm, lộ trình kiểm soát khí thải xe máy phù hợp sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số người dân

NHẬT THỊNH

"Nếu luật Đường bộ sửa đổi vẫn không quy định việc kiểm soát khí thải với mô tô, xe máy sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn. Mặt khác, không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông công nghệ mới, giao thông đa tính năng, giảm thải ô nhiễm môi trường…", Bộ GTVT nêu quan điểm.

Là địa phương tiên phong thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, XGM, TP.HCM cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà "thủ phạm" chính được nhận định là xe máy. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm trầm trọng. 

Thường xuyên theo dõi bảng chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) trên các ứng dụng như Air Visual hoặc PAM Air có thể dễ dàng nhận ra quy luật: thời điểm chỉ số AQI tại TP.HCM tăng cao nhất, nghĩa là không khí ô nhiễm nặng nhất - thường rơi vào 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều, khi lượng phương tiện đổ ra đường nhiều nhất. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao nhất luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. 

Sở TN-MT TP.HCM khẳng định các hoạt động giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại TP.HCM. Trong đó, số lượng xe máy đang lưu hành gần bằng 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới. Xe máy còn gây ô nhiễm nghiêm trọng khi vẫn chạy với tiêu chuẩn chuẩn Euro 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua.

Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Dự thảo luật Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An nhấn mạnh quan điểm của TP.HCM là phải giảm phát thải xe máy. Hiện nay, Việt Nam đã cam kết, tuyên bố với thế giới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, những đô thị lớn chắc chắn phải đi trước bởi lượng phương tiện quản lý rất lớn. Tính đến tháng 9.2020, trên địa bàn TP có khoảng 7,4 triệu xe máy, trong đó lượng xe sử dụng trên 10 năm chiếm tới 67,89%. 

Đề xuất kiểm soát khí thải với mô tô, xe gắn máy

Đây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Trong trường hợp TP không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm; với HC là 4.475 tấn/năm tương ứng mức gia tăng là 12,85%/năm. 

"Lượng khí thải "khổng lồ" mà xe máy cũng như các phương tiện giao thông nói chung mỗi năm thải ra không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan tới hạ tầng y tế, câu chuyện ùn tắc và tai nạn giao thông. Do đó, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và phải làm", ông An nói.

Đã đến lúc kiểm soát khí thải xe máy - Ảnh 3.

Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy miễn phí cho người dân tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ "phản ứng mạnh" tới quan tâm, ủng hộ

Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông tính đến chuyện kiểm soát khí thải xe máy, thậm chí loại bỏ xe máy "hết đát" không đủ tiêu chuẩn về môi trường khỏi hệ thống giao thông. Từ 2010, Chính phủ đã phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy. Thế nhưng từ đó đến nay, ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm. Hồi năm 2012, Công an TP.HCM cũng đã được UBND TP đồng ý cho nghiên cứu xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô 2, 3 bánh, XGM (kể cả xe điện). Tuy nhiên do vấp phải sự phản đối từ dư luận, dự thảo này chưa kịp lên giấy đã "chết yểu".

Bộ GTVT quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định về khí thải xe mô tô, XGM, trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe mô tô, XGM tham gia giao thông. Việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, XGM (trừ xe mô tô, XGM thuần điện) được thực hiện tại các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, XGM đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Thực tế, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề lớn đối với xã hội, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân, khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong các TP. Do đó rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến xe máy cứ "trình lên đặt xuống", không ai dám quyết.

Tuy nhiên, kết quả chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, XGM đang lưu hành trên địa bàn TP" do TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 15.5 - 2.9.2020 đã cho thấy một bức tranh rất khác. TP.HCM tổ chức 8 điểm kiểm định khí thải xe máy miễn phí, dự kiến tổ chức phục vụ cho 5.000 phương tiện; nhưng đến khi kết thúc chương trình, đã có hơn 13.000 xe máy tới kiểm định khí thải. Sau đó, khi TP.HCM khảo sát ý kiến người dân cho đề án kiểm soát mô tô, XGM để giảm ô nhiễm môi trường, có tới hơn 76% người dân ủng hộ. "Điều này cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân. Họ rất quan tâm đến vấn đề này", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhận định.

Kiểm soát khí thải xe máy, giảm 30% ô nhiễm không khí

Xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, XGM theo đề án mà TP.HCM đã nghiên cứu thì mức giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (13,8%), tương đương giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí.

(Kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Mặc dù vậy, chi phí vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Nếu đề xuất kiểm soát khí thải mô tô, XGM của Bộ GTVT lần này được đưa vào luật, người sử dụng phương tiện sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết chi phí này sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện. Nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là hơn 170.000 đồng/năm. Theo tính toán, nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không những không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp nhà nước tiến hành thu phí kiểm định khí thải.

Với những lợi ích trực tiếp gắn với môi trường, sức khỏe, cộng thêm tiết kiệm ngân sách, các nhà quản lý tự tin lộ trình kiểm soát khí thải xe máy phù hợp sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số người dân.

Đã đến lúc kiểm soát khí thải xe máy - Ảnh 6.

Với những lợi ích trực tiếp về môi trường, sức khỏe, tiết kiệm, các nhà quản lý tin rằng lộ trình kiểm soát khí thải xe máy phù hợp sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số người dân

Ngọc Thắng

Kết hợp chuyển đổi phương tiện xanh

Theo đề xuất của Bộ GTVT, việc kiểm tra khí thải xe máy được thực hiện tại các trạm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hiện nay tại Việt Nam chưa xây dựng quy chuẩn cho các trạm kiểm định xe máy. Khi hợp tác với TP.HCM thực hiện thí điểm kiểm định xe máy cho người dân, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã tài trợ toàn bộ số tiền tổ chức cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Được biết, chi phí đầu tư rất lớn. Cũng tương tự như 1 trung tâm đăng kiểm, 1 cơ sở bao gồm mặt bằng, thiết bị, đào tạo người đánh giá… có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng, không bao gồm chi phí quản lý.

Một chuyên gia giao thông đánh giá đến nay Việt Nam mới nói đến câu chuyện kiểm soát khí thải xe máy là muộn. Để kiểm soát thì trước hết phải đầu tư hệ thống trang thiết bị đo đạc, đánh giá, từ đó đưa ra mức giới hạn về khí thải. Sau đó xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh bao gồm các quy chuẩn, bao nhiêu phần trăm lượng phương tiện phải đạt chuẩn, xe không đạt tiêu chuẩn thì sẽ xử lý thế nào, nếu cố tình lưu thông có bị chế tài hay không, chế tài ra sao… Tất cả bộ khung này phải xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tiễn; trong khi lượng phương tiện đang lưu hành quá lớn, đủ đời, đủ kiểu. 

Quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém khi phải đầu tư cả hệ thống thử nghiệm, sau đó đưa vào áp dụng. Chưa kể các loại xe máy mới hiện nay đã phải áp dụng quy định đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3, nghĩa là việc kiểm định khí thải sẽ chủ yếu đạt kết quả với đối tượng xe cũ đang lưu hành, chủ yếu gắn vào đối tượng người có thu nhập thấp.

Bước đi trước rất thuận lợi

Thách thức lớn nhất của TP.HCM hiện nay là thói quen sử dụng xe máy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân, trong điều kiện hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới được Quốc hội thông qua cho phép HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch. Đây là bước đi trước rất thuận lợi để TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án kiểm soát mô tô, XGM.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Mặt khác, xu thế của thế giới hiện nay là sử dụng phương tiện xanh (xe điện). Trong quá trình phát triển xe điện sẽ áp dụng song song các biện pháp kiểm soát ô nhiễm khí thải mà không nhất thiết phải là đăng kiểm định kỳ khí thải với xe máy mà có thể áp dụng các vùng giới hạn và mở rộng dần. "Đơn cử, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% phương tiện 2 bánh và 4 bánh đi vào vùng lõi TP.HCM hoặc phương tiện được đăng ký mới đều phải là xe điện/phương tiện xanh thì tự nhiên xe máy sử dụng động cơ đốt trong sẽ giảm dần và giãn ra. Hướng đi này đạt được cả 2 mục tiêu: bảo vệ môi trường bền vững và không tạo sốc cho người dân", vị chuyên gia này phân tích.

Đồng tình việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, song ông Bùi Hòa An cho rằng chính sách nào cũng phải làm song song, không thể thực hiện cái này bỏ cái kia, trong khi đó là tài sản của người dân. Xe mới mua có thể theo tiêu chuẩn Euro 3 nhưng nếu chạy một thời gian không bảo dưỡng thì cũng sẽ xuống cấp. Quan trọng nhất, kiểm định phương tiện định kỳ cũng là cách nhằm thay đổi ý thức, nhận thức của người dân về trách nhiệm cá nhân đối với môi trường và xã hội. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.