Lộ trình kiểm soát khí thải xe máy, bao giờ có?

Mai Hà
Mai Hà
26/12/2020 13:51 GMT+7

Quy định mức khí thải với phương tiện xe máy đã được bổ sung trong dự thảo luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, dự thảo luật đã được lùi lại tới kỳ họp sau của Quốc hội khoá tới.

Hơn 10 năm loay hoay

Theo Tờ trình dự thảo luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Chính phủ. Đây là những chính sách cụ thể hơn so với luật Giao thông đường bộ 2008, vì trước đó, quy định về kiểm soát khí thải mô tô, xe máy chỉ thực hiện ở khâu lắp ráp, sản xuất trong nước và nhập khẩu mới.
Trên thực tế, từ những năm 2009, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010.
Mục tiêu đến năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, loại 2. Bộ GTVT cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định về kiểm soát khí thải với xe mô tô, gắn máy tại các thành phố lớn, trong đó quy định kiểm định kỳ khí thải xe mô tô, gắn máy.

Ô nhiễm không khí ở các đô thị vẫn khá nghiêm trọng

Ảnh P.Hậu

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, một nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, việc kiểm định định kỳ với xe mô tô, gắn máy có tác động ảnh hưởng đến người dân, phát sinh chi phí xã hội, thủ tục hành chính mà chưa được quy định trong luật GTĐB năm 2008. Vì vậy, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo luật GTĐB sửa đổi.
Sau hơn 2 năm xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, dự luật GTĐB đã được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, song vì còn nhiều ý kiến, nên dự luật này được cho ý kiến sẽ đưa ra thông qua vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 14 vào năm 2021.

Các nước kiểm soát ra sao?

Với tốc độ phát triển rất nhanh, hiện cả nước đã có hơn 60 triệu xe mô tô, gắn máy. Theo Vụ Môi trường (Bộ GTVT), nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng.
Trong đó, ô nhiễm từ giao thông lớn nhất bởi cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy dẫn đến khí thải độc hại ra môi trường rất lớn. Đặc biệt, thói quen của người dân thường không bảo dưỡng xe máy định kỳ khiến lượng khí phát thải ngày càng lớn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), việc kiểm tra khí thải sẽ không thực hiện đồng loạt với toàn bộ xe đang lưu hành, mà có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng. Các trạm kiểm định sẽ được triển khai theo chủ trương xã hội hóa, với sự tham gia, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu xe mô tô, gắn máy, của từng cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa.
Cũng theo ông Khanh, việc kiểm tra phát thải khí thải, kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan…
Trong đó, trường hợp của Đài Loan là ví dụ điển hình của sự thành công trong công tác kiểm soát phát thải khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Đài Loan thực hiện kiểm tra định kỳ khí thải từ năm thứ 6 với chu kỳ 1 lần mỗi năm.
Tới mốc này, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo tới từng chủ xe, sau khi xe vào đúng vị trí, camera sẽ nhận diện biển số, và tự động truy xuất toàn bộ thông tin, không yêu cầu chủ xe phải khai báo hay làm bất cứ thủ tục giấy tờ nào.
Tiếp đó, kỹ thuật viên cắm thiết bị đo vào ống xả để lấy số liệu theo quy trình đã định sẵn. Toàn bộ dữ liệu thu được chuyển lên máy chủ để đối chiếu với mức tiêu chuẩn mà chính phủ Đài Loan quy định.
“Trong trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn thông số như (CO, HC), các kỹ thuật viên sẽ khắc phục tại chỗ (vệ sinh bugi, thay lọc gió…), nếu vẫn không đạt thì chủ xe sẽ có 1 tháng để khắc phục.
Nếu xe đạt chuẩn, đơn vị kiểm định sẽ dán tem chứng nhận. Có 2 loại tem là tem màu vàng (đạt nhưng ở mức phát thải cao) và tem màu xanh (đạt ở mức phát thải thấp). Toàn bộ lịch sử kiểm định của mỗi xe sẽ được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu của chính quyền để truy xuất khi cần”, ông Khanh nói.
Bên cạnh việc đề ra quy trình kiểm tra đơn giản như trên, Đài Loan cũng áp dụng mạnh mẽ cơ chế xã hội hóa các trạm kiểm tra khí thải cho xe máy, và thậm chí đặt ngay trong các cửa hàng sửa chữa xe vừa và nhỏ. Hiện Chính phủ Đài Loan hỗ trợ 80 NTD (tương đương khoảng 64.000 đồng) cho mỗi xe kiểm tra khí thải.
Các cơ sở sữa chữa có thể dễ dàng đầu tư máy kiểm tra khí thải, khi mức chi phí đầu tư cho mỗi hệ thống này không lớn so với doanh nghiệp, chỉ khoảng 25.000 NTD (gần 200 triệu đồng).
Ông Khanh cũng cho rằng, sau khi luật GTĐB sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ lộ trình cụ thể để triển khai công tác kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Quá trình xây dựng lộ trình sẽ lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động để nhân dân có thời gian chuẩn bị, thích ứng đem lại hiệu quả về cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố.
Lộ trình thực hiện sẽ được xây dựng thận trọng, phân chia cụ thể từng phạm trù: lộ trình về thời gian (chia ra nhiều giai đoạn), lộ trình về đối tượng (ví dụ lựa chọn các xe phân khối lớn trước, xe cũ trước), lộ trình về địa bàn (ví dụ như có thể thực hiện ở địa phương có số lượng phương tiện tập trung không quá lớn trước)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.