Là thành phố cao nguyên, địa hình khá dốc tạo lợi thế lý tưởng trong việc thoát nước nhưng Đà Lạt liên tiếp phải gánh chịu cảnh ngập lụt do mưa, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân từ đâu?
Khu dân cư Phan Đình Phùng bị ngập - Ảnh: Thu Thảo
|
Trong hai ngày 31.5 và 1.6, những cơn mưa lớn đổ xuống TP.Đà Lạt gây lũ liên tiếp vào mỗi chiều. Đây là hiện tượng bất thường vào đầu mùa mưa ở thành phố du lịch này từ nhiều năm qua. Hầu hết các con đường trong thành phố đều bị ngập cục bộ, khiến giao thông ách tắc. Nước từ hồ Than Thở liên tục gây ngập úng khu dân cư hai bên cầu Ngô Văn Sở.
|
2 m. Ông Nguyễn Minh Dự, ngụ số 22 Hoàng Văn Thụ (Đà Lạt), cho biết: “Ở khu dân cư này hễ mưa lớn là ngập, chúng tôi nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng tình trạng ngập lụt vẫn không chuyển biến tốt mà ngược lại ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Mưa lũ còn gây ngập lụt hàng chục héc ta rau, hoa các loại, khiến nông dân thất thu nặng nề, thiệt hại hàng tỉ đồng...
Trổ mái tôn cứu người
Chiều 1.6, tại khu dân cư đường Hoàng Văn Thụ nước lũ xô sập 1/3 ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nghĩa và chị Đặng Thị Thanh Hằng (số 30/1 Hoàng Văn Thụ). Nếu không được hai thanh niên giải cứu kịp thời, tính mạng của 3 mẹ con chị Hằng bị đe dọa nghiêm trọng.
Thấy nước dâng cao, anh Nghĩa tìm cách đưa vợ con tránh nước lũ thì bức tường nhà bị lũ xô đổ, đẩy anh vào một căn phòng. Nước dâng cao ngập nhanh cả nhà. Ba mẹ con chị Hằng ướt sũng, leo lên đứng trên tủ lạnh, kêu cứu thảm thiết. Nghe tiếng kêu cứu, anh Nguyễn Đình Sơn (35 tuổi, ngụ số 26 Hoàng Văn Thụ) đã bơi khoảng 40 m trong nước lũ đến để cùng anh Nghĩa tìm cách đưa mẹ con chị Hằng ra khỏi nhà. Thế nhưng, nước lũ quá mạnh, ngập gần ngang cổ nên cả hai không thể đưa 3 mẹ con chị Hằng ra ngoài. Thấy nước ngấp nghé cầu dao điện, anh Sơn nhanh tay cúp cầu dao để bảo đảm an toàn tính mạng cho những người trong ngôi nhà sụp đổ.
Cùng lúc đó, anh Dương Nhạt Phong (26 tuổi, quê Phú Yên), đang làm giám sát công trình cho Công ty cổ phần xây lắp và vật tư xây dựng 2, chi nhánh Lâm Đồng, nghe tiếng kêu cứu của chị Hằng, đã không ngần ngại dùng tấm ván làm cầu leo lên mái nhà, gỡ mái tôn để giải cứu 3 mẹ con chị ra ngoài. Phía dưới, anh Sơn cùng anh Nghĩa đưa 3 mẹ con chui qua la phông để anh Phong đưa lên mái nhà.
Phải kiểm tra hệ thống thoát nước
|
Nói về nguyên nhân gây ra ngập lụt ở Đà Lạt, Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh cho rằng có thể do việc đô thị hóa quá nhanh, cùng với đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhà kính mọc lên quá nhiều khiến diện tích đất để thẩm thấu nước mưa ít lại, nước mưa tạo thành dòng chảy lớn... Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, nói: “Ngày xưa có rừng, đất trống, thảm thực vật nhiều nên nước mưa còn có chỗ thấm. Bây giờ chỗ nào cũng nhà cửa, rồi nhà kính, nhà lưới, mưa lớn nước tập trung quá nhanh nên tạo thành lũ ống, lũ quét và không có chỗ trữ nên có bao nhiêu nước thì đổ ra suối bấy nhiêu, thoát không kịp thì gây ngập...”.
Trong khi đó, ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, thẳng thắn: “Do trời một phần, nhưng phần lớn là do con người. Làm ruộng thì vứt rác đầy đồng, không chịu khơi thông dòng chảy, đến khi mưa xuống với cường độ cao trong một thời điểm, cộng với địa hình có độ dốc lớn nhưng không thoát kịp thì gây nên ngập lụt...”. Còn ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng, nhìn nhận dù được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhưng vẫn xảy ra ngập cục bộ ở Đà Lạt và tình trạng này cũng không phải bất thường vì “có thể đoán được”. Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu, có những lúc lượng mưa trút xuống rất lớn nhưng không thoát kịp. “Có thể trong quy hoạch không tính toán hết nên dẫn đến hệ thống thoát nước không đảm bảo cho việc thoát nước. Bên cạnh đó, trong quá trình thiết kế có thể khảo sát không kỹ nên thiết kế công trình không đúng chức năng như tiết diện nhỏ, độ dốc chưa phù hợp. Cũng có thể trong quá trình đầu tư đã thi công không đúng thiết kế được duyệt. Hoặc có vấn đề trong quá trình vận hành hệ thống thoát nước như không làm vệ sinh, khơi thông chẳng hạn...”, ông Trung đưa ra các nguyên nhân gây ngập lụt.
Cũng theo ông Trung, trước mắt, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước đô thị phải kiểm tra, khảo sát lại tại các vị trí thường bị ngập để phân tích, xác định chính xác nguyên nhân mà khắc phục phù hợp. Về lâu dài, phải rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, đảm bảo hệ thống thoát nước phải kết nối với một hệ thống thoát chung; không được thì phải xử lý hướng thoát theo địa hình. Việc đầu tư phải được thực hiện đồng bộ, như hệ thống giao thông phải có hệ thống thoát nước dọc, hoặc nếu không thì phải có thoát ngang...
Không ngại nguy hiểm cứu người
Trổ mái tôn giải cứu 3 mẹ con chị Hằng ở nhà 30/1 Hoàng Văn Thụ
- Ảnh: Thu Thảo Trong vụ giải cứu 3 mẹ con chị Hằng, điều đáng khen ngợi là anh Nguyễn Đình Sơn (35 tuổi), làm nghề lái xe tải nhẹ, dù nhà cũng đang bị lũ nhấn chìm nhưng khi nghe tiếng kêu cứu đã tìm cách bơi qua để ứng cứu. “Bình thường tôi chỉ bơi được đoạn ngắn, nhưng hôm qua không hiểu sao tôi lại bơi được đoạn dài khoảng 40 m trong nước để kịp cứu mẹ con chị Hằng”, anh Sơn thật thà. Nói về hành động dũng cảm của anh Phong và anh Sơn, ông Phùng Tất Thành, Chánh văn phòng Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đây là một hành động đẹp, thể hiện được tinh thần dũng cảm, trong điều kiện nguy hiểm, khó khăn vẫn liều mình cứu người bị nạn. Ông Thành cho biết Giám đốc Công an tỉnh đã kịp thời có thư khen, thưởng cho hai anh mỗi người 5 triệu đồng, hôm nay sẽ trao.
Còn chị Đặng Thị Thanh Hằng xúc động nói: “Tôi và gia đình hết lòng cảm ơn hai anh Phong và Sơn đã cứu giúp 3 mẹ con tôi. Nếu không có hai anh giải cứu kịp thời thì chắc các con tôi sẽ khó lòng sống sót”.
|
Bình luận (0)