Đà Nẵng bứt phá 2021: Xoay chuyển tình hình sản xuất

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
27/09/2021 10:38 GMT+7

TP.Đà Nẵng đang tìm giải pháp lâu dài để xoay chuyển tình hình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 bủa vây đã gây ra nhiều khó khăn, trở ngại…

Nguy cơ thụt lùi 2-3 năm

Sau năm 2020 tăng trưởng âm, kinh tế TP.Đà Nẵng khởi sắc nửa đầu 2021 nhờ khống chế Covid-19, với GRDP tăng 4,99%, 2.107 doanh nghiệp (DN) lập mới với tổng vốn 11.262 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 4 khi dịch tái bùng phát, các giải pháp quyết liệt của TP mang lại hiệu quả chống dịch nhưng cũng làm DN khó khăn, theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng).
Theo kết quả khảo sát của VCCI Đà Nẵng, có 411 DN đã giải thể, tăng 5,1% so với 2020, 41,73% DN tạm ngừng hoạt động; 1,44% chờ giải thể. Sức chống chịu của DN đã bị bào mòn trong 2020 và dần cạn kiệt trong năm 2021, rất cần chính quyền hỗ trợ để tồn tại và phục hồi. Trong hơn 56% DN còn hoạt động, có đến 88,6% giảm mạnh doanh thu, chủ yếu phải hoàn thiện đơn hàng để giữ đối tác, duy trì đời sống người lao động… chứ không kỳ vọng lợi nhuận. “Điểm tích cực, dù khó khăn nhưng phần lớn DN không cắt giảm lao động (83%) nhưng có giảm lương, giờ làm, hoặc duy trì số lượng và các điều kiện phúc lợi. Đó là nỗ lực đóng góp của DN, góp phần giữ an sinh xã hội cho thành phố”, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng, nói.
Theo ông Ngô Tấn Cư, Tổng giám đốc Điện lực miền Trung, căn cứ mức độ tiêu thụ điện cho thấy nền kinh tế Đà Nẵng có nguy cơ thụt lùi 2-3 năm, mất vai trò đầu tàu miền Trung - Tây nguyên, các ngành chủ lực của nền kinh tế thành phố như du lịch (khách sạn, nhà hàng) giảm tiêu thụ điện đến gần 35% so với 2019.

Sản xuất an toàn với dịch

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Quang, dịch bệnh đã gần 2 năm, sức chống chịu của DN Đà Nẵng đã cạn kiệt nên rất cần chiến lược, kịch bản sống chung an toàn với dịch được lồng ghép với chính sách hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế. Ông Quang đề xuất xây dựng cơ chế giãn cách khác biệt giữa DN và người dân để DN được đảm bảo một số hoạt động phù hợp, để nền kinh tế duy trì tối thiểu.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken VN, góp ý cần “3 tại chỗ”. “Chúng tôi đề nghị cho phép công ty chủ động các biện pháp, không phân biệt đối xử các loại hàng hóa lưu thông, trừ hàng cấm, rút ngắn thời gian cấp QR Code và thống nhất khâu kiểm tra”, ông Phúc nói.
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết TP đã thống nhất chủ trương mở lại nhiều hoạt động từ ngày 1.10 kèm điều kiện sản xuất an toàn, với kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, TP giám sát các giải pháp hỗ trợ DN, người lao động đã ban hành, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế…
Trước mắt, đầu tháng 10, sẽ có 100% người lao động được 1 mũi vắc xin Covid-19 và 100% dân số thành phố hoàn thành tiêm 2 mũi vào cuối năm nay. Các DN hỗ trợ 50% phí xét nghiệm, lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ DN khi phát hiện ca dương tính… Theo Bí thư Thành ủy, đối với những khó khăn trong khâu thủ tục đảm bảo chống dịch, TP sẽ ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tái khởi động và mở rộng các dự án.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quảng còn đề nghị DN ứng dụng CNTT trong kiểm soát nội bộ, đặc biệt mấu chốt thành công của giai đoạn đến là nâng cao ý thức, hình thành thói quen chống dịch cho người lao động. Có như vậy, mỗi người mới hình thành được “công dân xanh, “DN xanh”, công tác chống dịch và duy trì sản xuất an toàn mới hiệu quả...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.