Tại TP.Đà Nẵng, ngoài chợ Cồn và chợ Hàn đã trở thành chợ du lịch, các chợ còn lại chưa như kỳ vọng do đầu tư chưa tương xứng. Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định chủ trương giao chợ loại 1 cho quận, huyện quản lý là “trật lất”, như chợ Hòa Khánh giao Q.Liên Chiểu. Thậm chí, chợ đầu mối Hòa Cường được giao cho Q.Hải Châu cũng nhếch nhác, “không đâu vào đâu”.
|
Cần điều tra xã hội học
Bộ Công thương đã vào cuộc khảo sát với nguồn lực từ Tây Ban Nha để xây dựng chợ đầu mối quốc gia ở Hòa Phước. Vài tư nhân cũng muốn đầu tư Trung tâm thương mại (TTTM) ở chợ Cồn.
Nhưng theo ông Kha, do đây là địa điểm khá nhạy cảm với giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng, gắn chặt với 2.000 tiểu thương và gần 10.000 người bên ngoài nên để tư nhân làm chợ thì không ổn.
Vì vậy, Sở Công thương đề xuất phát triển chợ Cồn bằng nguồn lực tại chỗ của tiểu thương, cùng vốn vay ưu đãi.
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay đã có chủ trương giao Sở Du lịch phát triển tuyến phố đi bộ đường Hùng Vương với điểm đầu - cuối là chợ Cồn, chợ Hàn. Ở phía Ngũ Hành Sơn, địa phương cũng đang trình phương án phố đi bộ, chợ đêm Chương Dương - cầu Trần Thị Lý.
Tại cuộc làm việc hôm 16.10, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chia sẻ rằng 10 năm trước đã từng lo ngại người ta khi quay về sẽ không còn “tìm thấy lại” Đà Nẵng, và bây giờ vẫn nguyên vẹn nỗi lo đó.
“Tôi rất dị ứng với các nhà cao tầng cao ngất ngưởng quanh nhà hát Trưng Vương và đã không đồng tình khi còn là Phó bí thư Thành ủy. May mà chưa bán các ngôi nhà lâu đời ở Bạch Đằng. Từ Bạch Đằng đi vào Hùng Vương phải giữ như khu phố cổ, cũng như chợ truyền thống, vừa là tình cảm, lối đi về của người đi xa, nhưng cách thức giữ chợ phải tương xứng với sự phát triển thành phố”, ông Nghĩa nói.
Chính vì vậy, ông Nghĩa yêu cầu phải điều tra xã hội học về nguyện vọng người dân để quyết định chợ Cồn, chợ Hàn là chợ truyền thống hay chuyển sang mô hình trung tâm thương mại, bởi đã có rất nhiều bài học chuyển đổi thất bại ở một số chợ nổi tiếng khác.
Bình luận (0)