Đà Nẵng giải 'bài toán' ngập nội thị

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
18/09/2023 08:28 GMT+7

Trận ngập lịch sử hồi tháng 10.2022 từng gây thiệt hại nặng nề cho TP.Đà Nẵng. Vậy trước mùa mưa năm nay, TP.Đà Nẵng cần làm gì để ứng phó?

"THOÁT NƯỚC BỀN VỮNG"

Ông Lê Tùng Lâm, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đơn vị Q.Thanh Khê, nhìn nhận ngập úng đô thị là vấn đề nan giải với 4 nguyên nhân chính. Đó là: bất cập quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị; tiến độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng thoát nước cũ - mới chậm hơn tốc độ phát triển, nhất là ở khu trung tâm, đô thị cũ; biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan; nguồn lực, năng lực quản lý đô thị và hệ thống thoát nước dù nỗ lực nhưng còn hạn chế với yêu cầu thực tiễn.

Đà Nẵng giải 'bài toán' ngập nội thị  - Ảnh 1.

Thu dọn rác bịt các cửa thu nước ở P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê

NGUYỄN TÚ

Để giải quyết 4 vấn đề trên, đòi hỏi thời gian dài và nguồn lực mạnh. Theo ước tính, trong 5 năm đến, TP.Đà Nẵng cần 5.500 tỉ đồng triển khai các công trình thoát nước cấp thiết. Hiện tại, thành phố có thể ưu tiên xử lý ngập úng cục bộ khu trung tâm, đô thị cũ hiện hữu, nơi hệ thống thoát nước đã cũ, khó chuyển tải lượng mưa trong tình huống thiên tai, mưa bão cực đoan.

Cần tăng cường giám sát cộng đồng từ quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, nâng cấp cải tạo, duy tu sửa chữa… các công trình. Đồng thời, tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình thoát nước dở dang, đẩy mạnh nâng cấp, cải tạo, tăng khả năng trữ nước các hồ điều tiết hiện có...

Ông Lê Tùng Lâm, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đơn vị Q.Thanh Khê

Ông Lê Tùng Lâm cho rằng, kịch bản chống ngập úng phù hợp tình hình nguồn lực hạn chế, thời tiết cực đoan là "Thoát nước bền vững" (thoát nước chậm), cần toàn xã hội chung tay. Mỗi nhà cần biết bản đồ ngập úng, các kịch bản ứng phó, hiểu các nhiệm vụ ứng biến và đặc biệt người dân phải được cảnh báo sớm. Trong đó, cần triển khai nạo vét, duy tu sửa chữa theo kế hoạch xử lý thoát nước hằng năm, phân cấp quản lý thoát nước hiệu quả, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, CNTT, đầu tư cống thoát, trạm bơm chống ngập, cải tạo cống liên phường, cải tạo kết cấu vỉa hè để tăng hệ số thấm, xây dựng, cập nhật dữ liệu hệ thống thoát nước, bản đồ ngập đô thị… "Cần tăng cường giám sát cộng đồng từ quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, nâng cấp cải tạo, duy tu sửa chữa… các công trình. Đồng thời, tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình thoát nước dở dang, đẩy mạnh nâng cấp, cải tạo, tăng khả năng trữ nước các hồ điều tiết hiện có, xây dựng bể nước ngầm, cống điều tiết, giếng điều tiết quy mô lớn tại các khu vực không còn hồ điều tiết", ông Lê Tùng Lâm nói.

Đà Nẵng giải 'bài toán' ngập nội thị  - Ảnh 3.

Nạo vét cống trung tâm Q.Hải Châu

NGUYỄN TÚ

Để giải quyết tình trạng ngập úng, ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, cho rằng cần sớm hoàn thiện trạm bơm chống ngập cửa xả Thanh Huy 1, triển khai giai đoạn 2 trạm bơm chống ngập Ông Ích Khiêm, bổ sung máy bơm các Trạm bơm chống ngập Thuận Phước, Trương Chí Cương và Đảo Xanh, đồng thời đại tu các máy bơm khác. Đối với hệ thống mương cống thoát nước mưa, ông Hà Văn Thành đề xuất ưu tiên nguồn vốn xử lý các hồ nội thành, nạo vét để tăng khả năng điều tiết, nạo vét hệ thống cống, thay thế ngưỡng tràn cố định tại các vị trí tách dòng bằng ngưỡng tràn di động nhằm tăng khả năng thoát nước.

Theo số liệu thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, hiện TP.Đà Nẵng có 28 vị trí thường xuyên ngập úng cục bộ, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm như tại địa bàn Q.Hải Châu (11 vị trí), Q.Thanh Khê (9 vị trí)...

LƯU TÂM KHU VỰC SÂN BAY

Vấn đề ngập quanh sân bay Đà Nẵng cũng nan giải, bởi lưu vực này chiếm gần 20% diện tích trung tâm thành phố. Nước ngập ở khu vực này đổ ra 3 quận, trong đó Q.Thanh Khê "gánh" 3/5 lượng nước mưa.

Đà Nẵng giải 'bài toán' ngập nội thị  - Ảnh 5.

Công nhân nạo vét cống để đảm bảo thoát nước mùa mưa

NGUYỄN TÚ

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, quá trình bê tông hóa sân bay thời gian gần đây đã giảm khả năng tự thẩm thấu, nước mưa tràn ra xung quanh nhanh hơn, làm quá tải hệ thống. Do đó, cần phân lưu thoát nước hợp lý hơn, như phân lưu nhánh Trần Xuân Lê về phía kênh Phần Lăng đang có năng lực thoát nước tốt để giảm tải. Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết với chủ trương thoát nước 4 hướng khỏi sân bay, cần đầu tư ngay hướng thoát ra đường Trần Xuân Lê, Cống Quỳnh, nhánh phân lưu khu vực đường Hàm Nghi với tổng vốn khoảng 100 tỉ đồng, bên cạnh các phân lưu thoát nước khu vực đường Lê Độ, Hoàng Hoa Thám hiện có và bổ sung các tuyến cống ở Q.Thanh Khê.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, chính quyền TP.Đà Nẵng cần tập trung giải quyết điều tiết thoát nước khu vực sân bay bằng cách nâng cấp, mở rộng các hồ điều tiết trong sân bay, xây dựng quy trình quản lý vận hành cửa phai, hồ điều tiết chặt chẽ, hợp lý, an toàn để không xảy ra ngập úng trong và ngoài sân bay khi có mưa lớn. Muốn giữ vững thương hiệu thành phố an bình và đáng sống thì TP.Đà Nẵng cần phấn đấu trở thành thành phố an toàn trong thiên tai, cần ứng phó thiên tai nói chung và ngập úng nói riêng với các nhiệm vụ, giải pháp chủ động, khả thi, kịp thời, hiệu quả nhất.

Ngập cục bộ do nước đọng trên mặt đường

Toàn TP.Đà Nẵng vừa mở đợt ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, sửa chữa các hạng mục nhằm tăng cường năng lực thoát nước chống ngập úng. Các lực lượng chức năng theo phân cấp từ thành phố đến quận, huyện đồng loạt triển khai công tác vệ sinh kênh mương, hệ thống thoát nước. Đặc biệt, tại các khu dân cư, lực lượng cấp phường kết hợp tổ dân phố khơi thông các cửa thu nước, phát quang bụi rậm, dọn đất cát, rác thải, xà bần bịt miệng thoát.

Đây là các nguyên nhân chính gây ngập úng cục bộ do nước đọng trên mặt đường, không kịp thoát xuống cống. Hiện Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê đã được phê duyệt kế hoạch nạo vét, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tiến hành hoàn thành công tác nạo vét trước mùa mưa. Theo UBND Q.Hải Châu, từ ngày 16.9 đến ngày 30.9, địa phương triển khai nạo vét ở 52 tuyến đường với khối lượng dự kiến gần 4.000 m3 bùn đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.