Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được HĐND TP.Đà Nẵng khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 19 vừa qua đã quyết định không sáp nhập P.Thạch Thang (Q.Hải Châu).
Nhiều yếu tố đặc thù
Theo UBND TP.Đà Nẵng, trường hợp P.Thạch Thang (có diện tích tự nhiên 1,02 km2, chỉ đạt 18,47% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 20.115 người, đạt 134,10% so với tiêu chuẩn) là đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp nhưng thành phố đề nghị không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 do có yếu tố đặc thù theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Cụ thể, về yếu tố lịch sử, theo các tư liệu về lịch sử Đảng bộ TP.Đà Nẵng và Đảng bộ Q.Hải Châu (1930 - 2015) thì địa danh Thạch Thang đã có từ rất sớm, năm 1858 đã ghi nhận tên Thạch Thang trong trận đánh Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng.
Năm 1888, Thạch Thang là một trong "ngũ xã nhượng địa" cho Pháp ở Đà Nẵng; năm 1955, Thạch Thang là 1 trong 7 khu phố thuộc quận I (quận Hải Châu ngày nay).
Với chiều dài lịch sử phát triển của thành phố luôn có những biến chuyển nhất định, Thạch Thang đều nằm trong vùng trung tâm, trọng điểm từ trước đây cũng như bây giờ.
Về yếu tố văn hóa, trên địa bàn phường có thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một pháo đài quan trọng bậc nhất và là minh chứng trong việc quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đánh thắng cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào những năm 1858 - 1860.
Về yếu tố an ninh - quốc phòng, địa lý, Thạch Thang là phường có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bao gồm: địa bàn trọng điểm về quốc phòng theo quyết định của Bộ Quốc phòng; địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; địa bàn trọng tâm về tình hình tôn giáo, là 1 trong 6 phường của quận có tình hình tôn giáo phức tạp, 1 trong 3 phường của quận có biên giới biển.
Cùng với một số yếu tố đặc thù theo Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, nếu sắp xếp P.Thạch Thang với các phường liền kề sẽ tạo bất ổn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, do vậy TP.Đà Nẵng đề xuất phương án không sắp xếp.
Xử lý trụ sở, tài sản công thế nào ?
Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi sắp xếp giảm 9 phường, TP.Đà Nẵng từ 56 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 45 phường, 11 xã) sẽ còn 47 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 36 phường, 11 xã). Riêng P.Thạch Thang (Q.Hải Châu) có yếu tố đặc thù nên các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng thống nhất không thuộc diện sắp xếp như tờ trình của UBND TP.Đà Nẵng.
Về phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND các quận đã dự kiến các phương án sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND phường, trụ sở Công an phường, trụ sở làm việc của trạm y tế phường; ô tô và các tài sản công khác.
UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà phối hợp Sở Tài chính xây dựng phương án xử lý theo quy định. Trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính (đảm bảo công năng, hiệu quả sử dụng theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế).
Về sắp xếp lại các tài sản công là ô tô, theo UBND TP.Đà Nẵng, hiện nay UBND các phường được trang bị ô tô tải phục vụ công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn, tiếp tục phục vụ công tác đảm bảo trật tự đô thị và các nhiệm vụ khác tại địa phương sau sáp nhập.
Về tài sản công là các tài sản khác (máy móc, thiết bị văn phòng... đang phục vụ công tác tại các đơn vị), UBND quận đề xuất phương án giữ lại để tiếp tục sử dụng.
UBND quận sẽ hướng dẫn các phường kiểm kê, rà soát, đánh giá lại tài sản khác là máy móc, thiết bị; bố trí lại máy móc, tài sản cố định khác còn sử dụng cho các bộ phận tiếp tục sử dụng; thanh lý, điều chuyển các máy móc thừa sang các đơn vị khác chưa được trang bị trong quận, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí tài sản công.
UBND TP.Đà Nẵng cho biết thêm, năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức; rà soát và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư, phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; chỉnh lý hồ sơ địa chính, hồ sơ địa giới hành chính, bản đồ hành chính đối với các đơn vị hành chính phường…
Bình luận (0)