Những ngày này, các chủ tàu, thuyền trưởng tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chạy đôn chạy đáo tìm bạn chài đi biển. Câu chuyện "việc chờ người" đang là vấn đề nóng bỏng đối với nghề cá Đà Nẵng, khi vụ tết và mùa đánh bắt sang năm đã cận kề mà tàu vẫn thiếu ngư dân.
Lương 9 – 15 triệu đồng/tháng vẫn bị chê
Ngư dân Trần Văn Mười (47 tuổi, ngụ P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho biết không có bạn chài là một trong những nguyên nhân khiến ông giải nghệ sớm.
Ngư dân từng có nhiều thành tựu tại TP.Đà Nẵng này cho biết, tại Quảng Ngãi, nơi trước đây cung ứng nguồn lao động đi biển số lượng lớn hàng đầu miền Trung, hiện cũng thiếu hụt.
Do đó, tại TP.Đà Nẵng cũng không thể kiếm nguồn bạn chài từ Quảng Ngãi. Trước đây, ông Mười trả lương cứng hằng tháng cho ngư dân, nhưng do chi phí lớn, nguồn hải sản không ổn định nên chủ tàu này chuyển qua phương án ăn chia với bạn chài theo lợi nhuận chuyến biển.
"Gia đình gặp một số khó khăn của nghề cá. Sau nhiều chuyến biển lỗ, bạn chài không có thu nhập nên dần bỏ nghề, đi làm bảo vệ, phụ hồ, lao động tự do. Tôi cũng bán cả tàu gỗ lẫn tàu vỏ thép", ngư dân Trần Văn Mười nói.
Anh Lê Văn Kháng (36 tuổi, ngụ P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), từng được xem là điển hình của ngư dân trẻ, cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm lao động đi biển.
Nhiều địa phương miền Trung có chính sách cho người dân, nhất là nông dân, ngư dân vay vốn lãi suất thấp, xuất khẩu lao động nên ngư dân bỏ nghề nhiều vì có thể kiếm thu nhập ổn định hơn so với nghề biển. Do đó, chủ tàu như anh Kháng trả lương cao cũng không có nguồn lao động ổn định.
"Bây giờ, kể cả phương án ăn chia cũng không thu hút được bạn chài. Thực tế chuyến biển chỉ có 20 ngày nhưng họ đòi lương cứng 9 - 10 triệu đồng/tháng, đồng thời nếu tàu trúng cá thì phải chia thêm lãi cho họ. Riêng thuyền trưởng, máy trưởng thì phải trả lương cứng 15 triệu đồng/tháng", anh Kháng nói.
Ảnh hưởng đến chống khai thác IUU
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, lực lượng lao động thủy sản tại thành phố ngày càng khan hiếm, đây là vấn đề rất khó khăn đối với việc phát triển khai thác thủy sản.
Không những thế, việc thiếu lao động nghề cá cũng là một trong những rào cản, ảnh hưởng đến công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cụ thể, theo yêu cầu, TP.Đà Nẵng phải theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS), lập danh sách theo dõi, xác minh, xử lý nghiêm tàu cá mất kết nối (không báo cáo định kỳ, tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác)…
Tuy nhiên, tàu cá Đà Nẵng có tỷ lệ kết nối trên hệ thống giám sát hành trình thấp, có các thời điểm (từ tháng 5 đến tháng 12) số lượng tàu cá có tín hiệu trên hệ thống ít hơn 20%. Nguyên do, tàu cá ngày càng khó tìm lao động nghề biển, thu nhập không đảm bảo, lao động đi biển tập trung tháng 1 đến tháng 4 khi thời tiết ổn định với tỷ lệ duy trì kết nối VMS trên 60%; thời gian còn lại tàu cá chỉ khai thác khi có thông tin được mùa cá.
"Thời gian qua, có nhiều trường hợp do khó khăn về tìm kiếm lao động nên chủ tàu phải tạm dừng hoạt động dẫn đến chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, gia hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản... gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về quản lý tàu cá, chống khai thác IUU", ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, nói.
Bình luận (0)