Đà Nẵng - ‘TP khác biệt’

06/01/2017 13:00 GMT+7

Để trở thành một 'TP khác biệt' như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức, bộn bề công việc.

Phải xác lập được vị thế
Mới đây, tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị xây dựng thành “TP khởi nghiệp, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ có thể cạnh tranh được với các trung tâm du lịch như Singapore, Hồng Kông”… 7 vấn đề trọng tâm mà Đà Nẵng cần thực hiện được Thủ tướng chỉ ra cho thấy, TP “tuổi 20” cần phải làm rất nhiều việc để “tạo sự khác biệt”.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia tâm huyết với Đà Nẵng trong các bài tham luận của mình đã phân tích rất kỹ những lợi thế lẫn định hướng để vươn lên. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng, trên nền tảng “sự lựa chọn tự nhiên”, Đà Nẵng được T.Ư giao phó sứ mệnh làm trung tâm - thủ phủ của vùng duyên hải miền Trung.
TP đang chứng tỏ mình có năng lực, biết tận dụng tiềm năng và lợi thế, thực thi phát triển xứng đáng. “Nhưng trên quan điểm hướng tới tương lai và cạnh tranh, đua tranh phát triển, cần phải nói rằng, so với các TP trong vùng như Huế, Tam Kỳ..., Đà Nẵng vẫn chưa thực sự vượt trội về đẳng cấp phát triển”, ông Thiên đánh giá.
Về tầm nhìn và quan điểm, theo ông Thiên, cần khẳng định tầm nhìn toàn cầu và cạnh tranh quốc tế trong việc xác lập mục tiêu phát triển tổng quát của TP. Để được làm một trung tâm phát triển vùng hiện đại đúng nghĩa, Đà Nẵng phải xác lập được vị thế toàn cầu và năng lực cạnh tranh phát triển ở tầm toàn cầu. Do đó, ông Thiên cho rằng, quan điểm định hướng phát triển mà Đà Nẵng cần quán triệt là “tiến vượt”.
Không thể chọn các phát triển tuần tự vì sẽ làm TP tụt lại và tụt hậu xa hơn... “Để vươn nhanh lên đẳng cấp quốc tế, tạo thế và lực cạnh tranh mạnh, chỉ có một cách là biến mình thành điểm hội tự sức mạnh thế giới, trung tâm hội nhập quốc tế”, ông Thiên nhận định và cho biết, cách tiếp cận này được đúc rút kinh nghiệm phát triển thành công nhất của các đô thị trên thế giới như: Singapore, Dubai, Seoul...
Trong bài viết “Để Đà Nẵng trở thành một trung tâm phát triển vùng hiện đại”, PGS.TS Trần Đình Thiên đã đề xuất nhiều mục tiêu trung hạn Đà Nẵng cần giải quyết. Trong đó, ông nhấn mạnh việc TP cần thiết xây dựng “bộ phận cốt lõi” cho TP du lịch hiện đại.
“Đà Nẵng thiếu khu trung tâm TP (downtown), nơi tập trung mua sắm, ăn chơi, giải trí, đặc biệt là về ban đêm. Không có downtown đúng tầm, TP du lịch Đà Nẵng sẽ nghèo nàn, sẽ kém hấp dẫn, sẽ thất thu khách và thất thu thu nhập rất nhiều...”, ông Thiên nhận định. Một mặt, TP cần nhanh chóng xây dựng và phát triển trung tâm logistics vùng, gắn với cảng biển và cảng hàng không quốc tế, ông Thiên còn cho rằng TP cũng cần xây dựng bến du thuyền hạng nhất trong sự kết hợp tương xứng với sân golf Bà Nà độc đáo. Ngoài ra, Đà Nẵng cần nghiên cứu đề án biến thành trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế lớn nhất trong khu vực mà bài học là từ kinh nghiệm của Dubai... “Phát triển Đà Nẵng đúng tầm hãy còn nhiều việc phải làm như phát triển nguồn nhân lực, giữ bản sắc...”, ông Thiên nêu quan điểm.
Điểm đến “đáng sống”
Tại hội thảo khoa học “Đà Nẵng 20 năm xây dựng, phát triển và định hướng tương lai”, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP đã đưa ra nhiều định hướng cho TP đến năm 2037 với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, 20 năm sau, nền kinh tế của TP.Đà Nẵng phải là nền kinh tế phát triển bền vững, đạt được mức tăng trưởng kinh tế dựa trên việc khai thác đầy đủ và hiệu quả các nguồn lực. Kinh tế TP tăng trưởng không những không tác động xấu đến môi trường mà còn góp phần cải thiện môi trường; năng lực cạnh tranh được nâng cao. Với định hướng TP sẽ là hạt nhân của vùng, Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh các lĩnh vực như: logistics, phân phối, tài chính, kinh tế và tri thức...
Ông Dũng cũng cho biết, xây dựng TP môi trường là mục tiêu phát triển bền vững mà Đà Nẵng kiên trì theo đuổi từ năm 2008. Đà Nẵng phấn đấu sẽ đạt được các mục tiêu về nguồn nước, nước thải, chất thải rắn... vào năm 2037. Phác thảo hình ảnh của TP trong 20 năm tới, ông Dũng cho biết thêm, Đà Nẵng sẽ là một TP có trật tự xã hội ổn định. Theo đó, TP không có giết người cướp của, tội phạm trên địa bàn bị khống chế hoàn toàn và không có người nghiện hút hoặc tái nghiện trong cộng đồng...
Đà Nẵng sẽ trở thành “điểm đến đáng sống” trong khu vực. Theo đó, các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp bị loại bỏ nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng; hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học cho đến đại học có chất lượng quốc tế...
Đề cập đến khía cạnh khác, GS Donyun Kim (Ủy viên Ban cố vấn chính sách kiến trúc đô thị Văn phòng Tổng thống, ĐH Kyun Kwan Hàn Quốc) và chuyên gia Narae Lee (Văn phòng Un-Habitat tại VN) cho rằng, Đà Nẵng có năng lực cạnh tranh để trở thành một TP xanh thông minh nhờ vào vị trí, năng lực công nghiệp, nguồn nhân lực và hỗ trợ chính trị. Để trở thành điển hình thành công trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng phải xây dựng một chuỗi giá trị và đạt được vị thế phù hợp trong cấu trúc công nghiệp...
“Đà Nẵng cần tập trung lượng tài sản lớn cho nghiên cứu và giáo dục... Phát triển mô hình TP xanh thông minh sẽ tạo ra một TP đáng sống và hiệu quả làm việc cao. Với môi trường đô thị nén, văn hóa và công nghiệp đan xen phát triển, Đà Nẵng sẽ đại diên cho một kiểu văn hóa đô thị mới. Đây là một đô thị mà ở đó có việc sử dụng đất đa mục đích, quy hoạch không gian đa dạng và linh hoạt...”, các chuyên gia này nhận định, Đà Nẵng hiện đang ở vào thời điểm tốt nhất để đi theo định hướng trở thành TP xanh thông minh theo mô hình của riêng mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.