Bài viết Tạm giữ tảng đá bán quý gần 30 tấn trên Thanh Niên ngày 27.2 phản ánh việc một hộ dân ở xã Đắk Gằn, H.Đắk Min, tỉnh Đắk Lắk đào được tảng đá bán quý gần 30 tấn, sau đó bị cơ quan chức năng tạm giữ trên đường vận chuyển.
Xin hỏi, nếu đào được đá quý trong vườn nhà mình thì đá đó thuộc sở hữu của ai? Thậm chí đào được hũ vàng trong vườn nhà thì chủ nhà có được sở hữu hũ vàng đó hay không? Trần Thanh Hùng (thanhhung76@yahoo.com)
|
Luật sư Lê Vi - Đoàn luật sư TP.HCM giải thích: Theo quy định tại điều 200 bộ luật Dân sự thì tài nguyên trong lòng đất là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, tảng đá nặng gần 30 tấn đang bị cơ quan chức năng tạm giữ là có cơ sở.
Tuy nhiên tảng đá trên phải được một cơ quan chuyên môn giám định xem có phải là tảng đá bán quý và được quy định trong danh mục cấm khai thác hay không? Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra xem hộ dân đào được tảng đá khi đào ao lấy nước hay cố tình khai thác hòn đá này mà không xin phép cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp.
Điều 240 bộ luật Dân sự quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy như sau: Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:
1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước.
Bình luận (0)