Đa số nước tham dự đồng ý tuyên bố chung của hội nghị hòa bình Ukraine

Đa số nước tham dự đồng ý tuyên bố chung của hội nghị hòa bình Ukraine

La Vi
La Vi
17/06/2024 14:30 GMT+7

Đa số trong hơn 90 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ ủng hộ tuyên bố cuối cùng, nhưng một số quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh không ký thông cáo chung, và hiện chưa rõ Nga có tham gia các hội nghị hòa bình kế tiếp hay không.

Trong số hơn 90 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, đa số đã ủng hộ tuyên bố cuối cùng của hội nghị được đưa ra hôm 16.6.

Được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khởi xướng, hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại khu nghỉ mát Buergenstock của Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine.

"Tôi tin tưởng rằng cùng nhau chúng ta sẽ đạt được kết quả. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên và thứ hai sẽ giúp chúng ta có tiếng nói chung về các chi tiết của hòa bình", ông Zelensky cho biết.

Tuy nhiên, một số quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh không ghi tên mình vào thông cáo chung, bao gồm Mexico, Ả Rập Xê Út và Ấn Độ.

Chưa có gì rõ ràng về câu hỏi các cuộc đàm phán trong tương lai có sự tham gia của Nga hay không.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết: "Một giải pháp lâu dài phải có sự tham gia của cả hai bên. Thưa quý vị, các cuộc thảo luận trong hai ngày qua đã cho thấy có những quan điểm khác nhau. Điều quan trọng hơn là chúng ta hiểu rằng con đường hướng tới hòa bình ở Ukraine phải được theo đuổi trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Đa số nước tham dự đồng ý tuyên bố chung của hội nghị hòa bình Ukraine- Ảnh 1.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine, tại Thụy Sĩ hôm 16.6

REUTERS

Nga không được mời tham dự, nhưng cho rằng hội nghị thượng đỉnh là một sự lãng phí thời gian.

Trung Quốc là một trường hợp vắng mặt đáng chú ý khác.

Tuy nhiên, hội nghị nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi mà Ukraine vẫn nhận được từ các đồng minh, cũng như những thách thức để đạt được bất kỳ lệnh ngừng bắn lâu dài nào.

Theo Reuters, bản dự thảo tuyên bố cuối cùng gọi hoạt động của Nga là một "cuộc chiến tranh". Moscow bác bỏ cách gọi này và sử dụng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Dự thảo kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và các cảng trên biển Azov, và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, dự thảo đã bỏ qua các vấn đề hóc búa hơn về một giải pháp hậu chiến cho Ukraine và khả năng Kyiv có thể gia nhập liên minh quân sự NATO.

Điện Kremlin không loại trừ khả năng sẽ có các cuộc đàm phán trong tương lai với Kyiv nhưng cho biết cần có sự đảm bảo để chứng minh độ tin cậy của các cuộc đàm phán.

Hiện vẫn chưa rõ sẽ có hội nghị tiếp theo hay không và nó sẽ được tổ chức ở đâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.