Đã thu gần 3.100 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng

29/11/2023 10:21 GMT+7

Dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. 11 tháng năm nay, cả nước đã thu được gần 3.100 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thông tin, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Đã thu gần 3.100 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1.

Ngành lâm nghiệp đang triển khai một số chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai...

ĐT

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết ngành lâm nghiệp đang triển khai một số chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng; ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia…

Theo ông Trị, dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. Trong năm 2022, cả nước đã thu được trên 3.700 tỉ đồng; 11 tháng năm nay, đã thu được gần 3.100 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin thêm, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) đã được ký giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024.

Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỉ đồng.

Ngoài ra, Ý định thư về mua bán giảm phát thải đã được ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ.

Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022 - 2026.

"Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường", ông Trị đánh giá.

Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng, hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra, hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản.

"Những kết quả này cho thấy, ngành lâm nghiệp không những có đóng góp vào GDP hay tổng giá trị gia tăng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế khác phát triển", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định.

Theo luật Lâm nghiệp 2017, có 5 loại dịch vụ môi trường rừng. Thứ nhất, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối. Thứ 2, điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội. Thứ 3, hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Thứ 4, bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch. Thứ 5, cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng: bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp; bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.