Người trồng rừng có thêm nguồn thu hơn 1.000 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon

27/09/2023 19:08 GMT+7

Với 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ được ký kết thỏa mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022 - 2026 (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu 10 USD/tấn), thì các chủ rừng có thêm nguồn thu hơn 1.180 tỉ đồng.

Ngày 27.9, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent - là tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đã phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin về sáng kiến LEAF.

4,26 triệu ha rừng Việt Nam bán tín chỉ carbon giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2 - Ảnh 1.

Nông dân trồng rừng ở Tây nguyên, Nam Trung bộ sẽ có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon

QUỲNH HƯƠNG

Hội thảo này có sự tham gia của hơn 80 đại biểu là đại diện chính quyền địa phương, cộng đồng dân tộc thiểu số ở 11 tỉnh, thành phố khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ; đại diện các bộ, ngành và đại diện các đối tác quốc tế như Cục Lâm nghiệp Mỹ (USFS); Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ); Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP)…

Theo Cục Lâm nghiệp, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về sáng kiến LEAF cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ địa phương, cộng đồng dân tộc thiểu số, các tổ chức chính trị xã hội và các bên liên quan trước khi Bộ NN-PTNT và Emergent/LEAF tiến tới đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon.

Cũng tại hội nghị, các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) ở Glasgow, Bộ NN-PTNT, Emergent đã ký ý định thư thiết lập hợp tác giữa Việt Nam và LEAF.

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Emergent/LEAF đã đồng ý đàm phán, ký kết thực hiện thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD, khoảng hơn 1.180 tỉ đồng).

Cũng theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng tham gia chương trình bán tín chỉ carbon ở các khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 4,26 triệu ha, trong đó có 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết trong thời gian tới khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết thì các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. 

Trong tương lai, nếu mở rộng diện tích rừng tham gia vào thỏa thuận mua bán phát thải của LEAF, Việt Nam sẽ có thêm kênh huy động tài chính hiệu quả, giảm gánh nặng cho nguồn lực ở trong nước đầu tư vào trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo ra động lực thu hút người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.

LEAF là liên minh được 4 chính phủ gồm: Anh, Mỹ, Na Uy và Hàn Quốc tài trợ và có hơn 25 tập đoàn đa quốc gia (trong đó có Amazon, Unilever, PWC) đang là thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng. LEAF đang hướng đến xây dựng thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng quy mô lớn và chất lượng cao.

Trước đó, năm 2021, Việt Nam đã ký ý định thư với Emergent về việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng chất lượng cao cho LEAF.

Mua bán tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác (CH4 tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Theo đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Bên mua tín chỉ carbon là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.