Đã thực hiện 33.500 tỉ đồng phục hồi kinh tế

Thái Sơn
Thái Sơn
09/06/2022 17:16 GMT+7

Báo cáo giải trình thêm về các nội dung trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm đối với những hạn chế có biện pháp để giải quyết.

Chiều 9.6, sau phần trả lời chất vấn của 3 bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; 2 phó thủ tướng và một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ luôn "nhận thức rõ về trách nhiệm"

gia hân

Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết những kết quả đạt được thời gian qua là dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Đã thực hiện 33.500 tỉ đồng phục hồi kinh tế

Về tình hình kinh tế - xã hội, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 9,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,71 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỉ USD; xuất siêu 516 triệu USD; thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806.000 tỉ đồng.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ số phục hồi Covid-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc.

Theo Phó thủ tướng, thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…

“Đến hết tháng 5.2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỉ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính”, Phó thủ tướng nói, đồng thời cho biết Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất, trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6.2022.

Liên quan 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Trong đó, có một số nguyên nhân chủ yếu, do ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh; phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình phải căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và hàng năm; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt mất nhiều thời gian do có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và phải tuân thủ đúng pháp luật.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương chậm đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn và chưa chủ động, tích cực trong công tác phối hợp.

Phó thủ tướng cũng đánh giá 3 chương trình này đều "có khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước và phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra".

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã "nhận thức rõ về trách nhiệm" và trong thời gian tới Ban chỉ đạo các chương trình sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trong đó yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể.

“Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dám nghĩ, dám làm; chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Giải ngân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Giải trình về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội là chính xác có tới 41/51 bộ, ngành, cơ quan T.Ư và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Về giải pháp, Phó thủ tướng cho biết "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công".

Cụ thể, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.