Sáng 30.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Các báo cáo tại cuộc họp cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao: CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%).
Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước, theo đó GDP quý 1 tăng 3,32%, quý 2 tăng 4,14%, quý 3 tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt trên 363.000 tỉ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng.
Trong tháng 9 có gần 12.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,6% so với cùng kỳ; có trên 5.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,5%.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Đặc biệt, về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia tăng 1 bậc, xếp thứ 32/100 với trị giá 431 tỉ USD, có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%).
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tăng trưởng kinh tế quý 3 của tỉnh đạt hơn 14%, đẩy tăng trưởng chung 9 tháng lên mức trên 12%. Dự báo tăng trưởng quý 4 sẽ mạnh hơn và cả năm sẽ cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Giang đạt hơn 32 tỉ USD, thu hút vốn FDI xấp xỉ 2 tỉ USD, giải ngân đầu tư công đạt trên 70%, thu ngân sách gần 85%...
Đáng chú ý, lượng lao động tại các khu công nghiệp tại Bắc Giang những tháng qua có thêm khoảng 5 vạn người, không những bù đắp được số sụt giảm trước đó mà còn tăng lên nhiều. Năng lực sản xuất được mở rộng với nhiều nhà máy mới trên địa bàn đi vào hoạt động, trong đó nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền bắc khánh thành ngày 16.9.
Báo cáo của các bộ, ngành cho biết, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của T.Ư khóa XII.
Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được T.Ư thông qua.
Chọn kịch bản GDP tăng 6% để phấn đấu
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn, lạm phát còn chịu nhiều sức ép.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách chủ động, dứt khoát không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ KH-ĐT đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023.
Kịch bản 1: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý 4 cần tăng 7,0% (quý 4/2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.
Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.
Thủ tướng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, nhất là những ngành mới nổi, công nghệ cao… Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho hạ tầng, đào tạo nhân lực và cải cách thủ tục hành chính để chuẩn bị đón các dự án FDI mới.
Về xuất khẩu, cần giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh); nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bình luận (0)