Đã tìm ra người thuê thợ tô sơn lên di tích quốc gia chùa Quan Thánh

12/11/2022 09:18 GMT+7

Người dùng sơn công nghiệp tô vẽ trái quy định lên các bia ma nhai, tượng khắc trên đá ở chùa Quan Thánh (P.An Hưng, TP. Thanh Hóa , Thanh Hóa) là người được giao trông coi, quản lý chùa.

Người quản lý chùa tự ý sơn lên di tích

Ngày 12.11, thông tin từ UBND P.An Hưng (TP.Thanh Hóa) cho biết, kết quả xác minh của Đoàn kiểm tra do phường này chủ trì đã xác định được người sơn lên các tấm bia ma nhai, tượng khắc trên vách đá ở chùa Quan Thánh là bà Lê Thị Thịnh - người được UBND P.An Hưng giao trông coi, quản lý chùa.

Các tấm bia ma nhai và tượng ở chùa Quan Thánh bị tô vẽ bằng sơn công nghiệp, làm mất đi giá trị gốc của di tích

Minh hải

Kết quả kiểm tra xác định chùa Quan Thánh có 14 tấm bia ma nhai, trong đó, 13 tấm bia (1 tấm bia còn lại không bị sơn) đã được sơn vào khoảng tháng 7 – 8.2019. Trước năm 2013, các tấm bia này cũng đã bị sơn bằng sơn công nghiệp.

Tương tự, các hình linh vật, hình người tạc trên các vách đá cũng bị sơn bằng sơn công nghiệp vào khoảng thời gian tháng 8.2019.

Người trực tiếp chỉ đạo sơn lên di tích được UBND P.An Hưng xác định là bà Lê Thị Thịnh - người được UBND P.An Hưng giao trông coi chùa.

Riêng việc khoan, vít thanh sắt vào một tấm bia ma nhai làm hư hỏng chữ Hán được xác định do tháng 7.2021, bà Thịnh thuê một người thợ cơ khí đến lắp đặt mái che bằng tôn. Trong quá trình làm mái che, người thợ cơ khí đã khoan vào bia mai nhai, vít thanh sắt hình vuông vào để gia cố mái che, dẫn tới việc tấm bia bị hư hỏng.

Toàn bộ việc sửa sang lại một số mái che bằng tôn và thuê người sơn lại bia ma nhai, sơn lên các hình tượng người và vật ở chùa Quan Thánh đều do bà Lê Thị Thịnh bỏ tiền ra làm. Trong quá trình làm, bà Thịnh không báo cáo UBND P.An Hưng.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã xác định diện tích đất quy hoạch chùa Quan Thánh đã bị người dân lấn chiếm, và chính quyền cắt xén cấp đất ở cho người dân.

Cụ thể, diện tích quy hoạch chùa Quan Thánh từ năm 1992 là 4.800 m2, nhưng đến nay chỉ còn 585 m2 đất nền và hơn 2.400 m2 núi. Phần diện tích còn lại, đã bị 7 hộ dân lấn chiếm (hơn 1.300 m2) và UBND H.Đông Sơn (khu vực chùa Quan Thánh trước đây thuộc địa giới hành chính H.Đông Sơn) cấp đất ở cho 1 hộ diện tích gần 450 m2.

Ngỡ ngàng di tích điêu khắc trên đá ở Thanh Hóa bị sơn lòe loẹt

Trách nhiệm chủ yếu do chính quyền cũ

Về trách nhiệm, UBND P.An Hưng cho rằng để việc sơn lên di tích thời điểm trước năm 2013 thuộc trách nhiệm của UBND xã Đông Hưng và TT.Nhồi (nay sáp nhập là P.An Hưng). Thời điểm sơn lại vào khoảng tháng 7 – 8.2019 thuộc trách nhiệm của P.An Hoạch (xã Đông Hưng và TT.Nhồi sáp nhập thành P.An Hoạch; nay sáp nhập, đổi tên thành P.An Hưng).

Một tấm bia ma nhai bị khoan, vít thanh sắt vào gây hư hỏng

Minh Hải

Tương tự, đối với việc quản lý đất đai để người dân lấn chiếm và cấp đất của chùa cho người người thuộc trách nhiệm của thời kỳ khi P.An Hưng đang là xã Đông Hưng.

UBND P.An Hưng chỉ nhận trách nhiệm là công tác quản lý di tích không tốt đã để xảy ra việc khoan, đục, vít thanh sắt vào làm hư hỏng 1 chữ trên tấm bia ma nhai vào tháng 7.2021. Tuy nhiên, UBND phường này lại biện minh rằng thời điểm đó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền tập trung phòng, chống dịch nên công tác quản lý, giám sát, kiểm tra không được thường xuyên.

Vụ việc di tích quốc gia chùa Quan Thánh bị xâm hại những ngày qua đã thu hút sự quan tâm của người dân và dư luận.

Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cũng đã kiểm tra và xác định đây là vụ việc hủy hoại di tích, làm thay đổi yếu tố gốc của di tích. Nên đã kiến nghị với Thành ủy, UBND TP.Thanh Hóa xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.