Choáng ngợp vì kỷ lục
Chùa Bái Đính bao gồm Bái Đính cổ tự (do Quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập) và Bái Đính tân tự (được trùng tu và mở rộng từ năm 2003 tại xã Gia Sinh, H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích hơn 1.000 ha). Đây là khu du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính. Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An (trong đó có chùa Bái Đính) được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa và thiên nhiên.
Chùa Bái Đính được trùng tu và mở rộng với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Các hạng mục công trình đồ sộ, tiêu biểu tại chùa có thể kể đến như: điện Tam Thế, điện Giáo Chủ, điện Quán Âm, tháp Báo Thiên, gác chuông, Bát Chính đạo…
Sự đồ sộ của công trình Phật giáo này khiến bất kỳ du khách nào lần đầu tham quan cũng không khỏi choáng ngợp. Nổi bật nhất chùa Bái Đính là tháp Báo Thiên với chiều cao 100 m, 13 tầng. Đây là an vị xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni từ Ấn Độ. Từ trên tầng 13 của tháp, du khách được ngắm trọn vẹn quần thể chùa Bái Đính.
Đáng chú ý, Bái Đính là ngôi chùa lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, châu Á và Đông Nam Á. Kỷ lục ấn tượng đầu tiên có thể kể tới là hành lang La Hán dài nhất châu Á. Hành lang có 234 gian, dài gần 3 km, với 500 pho tượng La Hán do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) chế tác.
Bên cạnh hành lang La Hán, về với chùa Bái Đính, điều khiến du khách choáng ngợp còn có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc lớn nhất nước hay tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt, nghìn tay bằng đồng lớn nhất Việt Nam…
Trong đó, tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam cao 10 m, nặng 100 tấn, được thờ tại điện Giáo Chủ. Điện có 5 gian, gian giữa rất rộng, dài đến 13,5 m; 4 gian 2 bên, mỗi gian dài 8,13 m. Trong điện có 56 cột bê tông cốt thép, gồm 2 hàng cột cái ở giữa, mỗi hàng 4 cột; 2 hàng cột trung, mỗi hàng 4 cột; cột con ở 4 phía gồm 20 cột; cột hiên ở 4 phía gồm 20 cột. Bên phải của điện thờ Tôn giả A Nan bằng đồng dát vàng cao 7,7 m và nặng 30 tấn. Bên trái của điện thờ Tôn giả Ca Diếp bằng đồng dát vàng cao 7,7 m và nặng 30 tấn.
Tượng Phật Di Lặc được đặt trên đồi cao khoảng 100 m so với sân chùa. Đó là Phật Vị Lai, đúc bằng đồng nguyên khối cao 10 m, nặng 80 tấn với dáng vẻ vô tư lự mang bình an, niềm vui đến mọi người, mọi nhà. Tượng được xác lập kỷ lục "Pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á".
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới kỷ lục của chùa Bái Đính mà không đề cập đến tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt, nghìn tay bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam. Tượng nặng 90 tấn, cao 10 m, được thờ trong điện Quán Âm. Điện được xây dựng bằng 900 m3 gỗ. Bên phải của điện thờ tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái của điện thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, mỗi tượng cao 10 m, nặng 4 tấn. Hai pho tượng này tạc từ cây gỗ nguyên khối tồn tại khoảng nghìn năm được người dân vớt dưới sông Hồng tiến cúng về chùa Bái Đính.
Mỗi ngày đón hàng nghìn khách tham quan
Tọa lạc trên mảnh đất linh thiêng "non sông, nước biếc", nên ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, mỗi ngày chùa Bái Đính mới đón hàng nghìn du khách tham quan. Dịp ngay sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày chùa đón khoảng 10.000 khách tham quan. Con số khách tham quan chùa ở thời điểm hiện tại, các ngày trong tuần khoảng 3.000 người/ngày.
Có mặt tại chùa Bái Đính những ngày đầu năm 2023, bà Thái Thị Lộc Thu (69 tuổi, trú Q.6, TP.HCM) cho biết, gia đình bà chọn chùa Bái Đính là điểm tham quan cuối cùng trước khi trở lại Sài Gòn làm việc. Gia đình bà Thu bắt đầu chuyến du lịch 6 ngày từ Sài Gòn đi qua những địa điểm nổi tiếng của các tỉnh, thành phố như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh và kết thúc ở Ninh Bình. Theo cảm nhận của bà, chùa Bái Đính là một điểm tâm linh với môi trường sạch sẽ, trong lành, mọi người rất thân thiện, niềm nở hướng dẫn du khách tham quan, lễ Phật tại chùa. Nếu có dịp nhất định bà và gia đình sẽ trở lại.
Đáng chú ý, trong đoàn có một cụ già ngồi xe lăn được bà Thu giới thiệu là mẹ chồng, năm nay đã 93 tuổi. "Mẹ tôi là một người theo đạo Phật. Cụ muốn đến chùa Bái Đính lâu rồi nhưng vì sức khỏe, hôm nay gia đình chúng tôi mới đưa đi được. Đây là lần thứ hai cụ ra Bắc lễ chùa. 5 năm trước, cụ từng đi chùa Hương (Hà Nội), lúc đó, chúng tôi đã thuê người cõng cụ lên động Hương Tích", bà Thu nói.
Bình luận (0)