Đại án DongA Bank: Trần Phương Bình lý giải lời khai 'có lỗi' với Vũ 'nhôm'

Phan Thương
Phan Thương
29/11/2018 12:15 GMT+7

Nguyên Tổng giám đốc DongA Bank (DAB) Trần Phương Bình khai cảm thấy có lỗi với Vũ 'nhôm' khi không thông báo cho Vũ 'nhôm' biết đầy đủ thực trạng hoạt động của DAB.

Sáng nay (29.11), TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) với phần xét hỏi của đại diện Viện KSND.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) vẫn được cách ly ở phòng giam giữ, không đến tòa.
“Thấy có lỗi với Vũ nhôm là thế nào?”
Nội dung Viện KSND xét hỏi tập trung vào vấn đề Trần Phương Bình khai rằng cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm”.
Cụ thể, Viện KSND hỏi Bình: “Hôm qua bị cáo khai cảm thấy có lỗi với bị cáo Phan Văn Anh Vũ, cụ thể lỗi gì?”, Ông Trần Phương Bình trả lời: “Bị cáo bản thân là một giáo viên, bị cáo thấy có lỗi với Vũ ở chỗ không thông báo cho Vũ đầy đủ thực trạng hoạt động của DAB”.
Trước đó, ở phiên thẩm vấn chiều 28.11, bị cáo Trần Phương Bình khai năm 2014 đã mời Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần với giá 600 tỉ đồng để Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” sẽ trở thành cổ đông chiến lược của DAB.
Qua đó, Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng Harbour Ville (Đà Nẵng) cho DAB, vay 400 tỉ đồng. 200 tỉ đồng còn lại, Vũ “nhôm” nhờ Trần Phương Bình lo giúp. Và bị cáo Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, sau đó Vũ “nhôm” ký khống chứng từ nộp 200 tỉ đồng vào DAB.
"Bị cáo không cho Vũ biết nguồn tiền ở đâu vì muốn ông ấy tin vào khả năng của DAB. Tuy nhiên, ngày 17.1.2014, tại phòng làm việc riêng, bị cáo giải thích cho Vinh lý do ứng quỹ 200 tỉ đồng. Lúc đó Vũ có ở đó nên bị cáo nghĩ Vũ biết rõ nguồn tiền này", bị cáo Bình trình bày trước HĐXX.
Về vấn đề này, tại cơ quan điều tra, Vũ “nhôm” khai không biết 200 tỉ đồng của DAB mà nghĩ đây là tiền ông Bình cho vay cá nhân. Do vậy, Vũ “nhôm” liên tục kêu oan từ giai đoạn điều tra đến khi ra phiên tòa.
Vũ "nhôm" kêu oan nên được cách ly khỏi phòng xử khi thẩm vấn Trần Phương Bình Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Giải thích nguyên nhân khi tăng vốn điều lệ không thành, thay vì chuyển trả cho Vũ “nhôm” 400 tỉ đồng, thì lại chuyển chuyển trả 600 tỉ đồng, bị cáo Bình cho biết thực hiện theo nguyên tắc quản lý kế toán. “Trước đó DAB đã nhận 600 tỉ đồng của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 nên phải trả lại đủ”. Cáo trạng xác định, việc này đã giúp cho Vũ “nhôm” chiếm đoạt của DAB hơn 200 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo cáo trạng, từ tháng 10.2012 đến 3.2015, ông Bình chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ 'nhôm'. Số tiền này Vũ 'nhôm' chưa trả lại cho DAB. Cáo trạng cũng nêu Vũ “nhôm” phải chịu trách nhiệm trả 13,4 triệu USD cho Trần Phương Bình
Chủ tọa hỏi "Tại thời điểm đó DAB đã âm quỹ rất lớn thì làm gì còn tiền mua hộ, tại sao không có bất cứ hợp đồng nào?", Nguyên Tổng giám đốc DAB cho biết bản thân tin tưởng Vũ và nghĩ rằng Vũ “nhôm” sẽ thanh toán.
Nhờ người thân đứng tên cổ phần vì không nhờ được ai (!?)
Đại diện Viện KSND hỏi bị cáo Bình, tại sao lúc mua cổ phần DAB mà bị cáo nhờ ông Cao Ngọc Liên (bố vợ bị cáo Bình) đứng tên giùm chỉ vài trăm cổ phần nhưng khi chuyển nhượng lại là hơn 3 triệu cổ phần, số cổ phần hơn 3 triệu cổ phần DAB ở đâu ra? Bị cáo Bình trả lời không nhớ rõ.
“Trong quá trình thực hiện mua bán cổ phần DAB, vì là lãnh đạo ngân hàng nên bị cáo lấy tên Cao Ngọc Liên cũng như vợ con để không phải thực công bố thông tin. Bởi nếu công bố thông tin lãnh đạo ngân hàng bán ra cổ phiếu sẽ ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu DAB trên thị trường”, Bình khai.
Bị cáo Bình cho rằng lượng cổ phần 3 triệu cổ phần mà bố vợ đứng tên có thể có từ năm 2007. Trong năm 2007 có thực hiện mua bán cổ phần DAB nhiều lần, trong đó có sử dụng tên Cao Ngọc Liên.
Bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á tại phiên xừ Ảnh: Ngọc Dương
Trả lời Viện KSND vì sao không nhờ người khác đứng tên mà lại dùng tên người thân, bị cáo Bình trả lời thời điểm đó bị cáo không nhờ được người đứng tên giùm cổ phần nên mới lấy tên người thân. “Vợ con bị cáo có sử dụng cổ tức của ngân hàng DAB không, số cổ tức từ 2007 đến 2015 được hưởng là bao nhiêu?”, Viện KSND hỏi và bị cáo Bình trả lời không nhớ rõ và qua cán bộ điều tra cho biết là số tiền cổ tức là 100 tỉ đồng.
Viện KSND hỏi bị cáo Bình về việc thỏa thuận bán 5 triệu cổ phần DAB cho Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt như thế nào? Bị cáo Bình khai năm 2007 bị cáo thấy không thể bán được hết số cổ phần nên đã làm việc với đại diện Qũy Lộc Việt để đứng tên mua giùm hơn 5 triệu cổ phần DAB. Bị cáo thỏa thuận với ông Nguyễn Dương sau này nếu không tiếp tục muốn sở hữu cổ phần này nữa thì bị cáo Bình sẽ mua lại với giá cao kèm trả lãi.
Trả lời Viện KSND vì sao lúc bán cho Quỹ Lộc Việt là 5 triệu cổ phần mà lúc mua lại là hơn 5,7 triệu cổ phần. Bình khai năm 2008 DAB trả cổ phiếu thưởng 15% do đó Công ty Quỹ Lộc Việt được thêm hơn 700.000 cổ phần, theo đó khi bán lại cho bị cáo Bình tổng cộng là hơn 5,7 triệu cổ phần DAB.
Khi Viện KSND hỏi về việc thành lập Công ty Vốn An Bình, bị cáo Bình khai bị cáo thành lập công ty này, do em vợ bị cáo làm Giám đốc Điều hành nhưng bị cáo Bình là người trực tiếp điều hành công ty.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.