Đại án DongA Bank: Vũ 'nhôm' không được bàn vụ chiếm đoạt 200 tỉ đồng?

Phan Thương
Phan Thương
05/12/2018 08:00 GMT+7

Trước khi phiên xử khai mạc, gia đình Phan Văn Anh Vũ đã khắc phục 173 tỉ đồng và tại phiên tòa chiều qua 4.12, chủ tọa thông báo gia đình bị cáo Vũ đã khắc phục thêm hơn 30 tỉ đồng.

Ngày 4.12, TAND TP.HCM tiếp tục phần thẩm vấn trong phiên xử sơ thẩm bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB), bị cáo Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79), và 24 đồng phạm giúp sức Bình gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỉ đồng.
Theo đó, buổi sáng, luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho Vũ “nhôm”) thẩm vấn Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ hội sở DAB), Trần Phương Bình xoay quanh hành vi phạm tội của thân chủ mình khi cáo trạng cáo buộc Vũ “nhôm” lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB hơn 203 tỉ đồng.
“Bị cáo nghĩ Vũ biết”
Tại phiên tòa, Trần Phương Bình khai năm 2013, nhằm tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng, Bình mời Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỉ đồng, để Vũ “nhôm” trở thành cổ đông chiến lược của DAB. Để có 600 tỉ đồng, Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng Harbour Ville (Đà Nẵng) cho DAB, vay 400 tỉ đồng; 200 tỉ đồng còn lại, Vũ “nhôm” nhờ bị cáo Bình lo giúp. Và bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng của Vũ “nhôm”, nhưng DAB lại xuất quỹ 200 tỉ đồng chuyển vào tài khoản Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79; ngược lại, Vũ “nhôm” kêu oan, khai không biết 200 tỉ đồng của DAB mà nghĩ đây là tiền ông Bình cho vay cá nhân.
Với những câu hỏi mà LS Thế Trạch đưa ra, rằng Vũ “nhôm” có bàn bạc trước, có biết 200 tỉ đồng mà Trần Phương Bình đưa là của DAB hay không, thì Nguyễn Đức Vinh khai: “Khi lên phòng ông Bình, bị cáo thấy trong phòng ông Bình có một người đàn ông và được ông Bình giới thiệu là Phan Văn Anh Vũ. Ông Bình nói để chuẩn bị việc ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng và có một khách hàng là Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 muốn mua cổ phiếu và muốn bán 10 triệu USD tiền mặt... Tuy nhiên, việc Vũ bán 10 triệu USD tiền mặt không được phòng kinh doanh đồng ý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản yêu cầu DAB không được mua ngoại tệ số lượng lớn, và doanh nghiệp bán phải chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Sau đó, ông Bình nói bị cáo tạm thời làm phiếu thu khống 200 tỉ đồng nộp vào tài khoản Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79. Nhận chỉ đạo xong, bị cáo hướng dẫn Phan Văn Anh Vũ ghi những nội dung trong bảng kê và bảng kê kiêm phiếu thu”.
Ngoài ra, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết từ năm 2007 - 2015, NHNN chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra giám sát NHNN tổ chức 11 cuộc thanh tra DAB, nhưng không phát hiện sai phạm của DAB do không đợt nào thanh tra về quỹ tiền, đến đợt thanh tra cuối cùng là thanh tra toàn diện DAB, phát hiện ra sai phạm nên NHNN đã chuyển toàn bộ vụ việc qua cơ quan điều tra.
Về những lời khai của Nguyễn Đức Vinh, bị cáo Trần Phương Bình xác nhận đúng. LS Trạch hỏi Bình: “Trong vấn đề chỉ đạo cho Vinh thu khống, treo quỹ 200 tỉ đồng, ông có bàn bạc gì với Phan Văn Anh Vũ không?”. Trần Phương Bình trả lời: “Bị cáo xác nhận không bàn bạc với Phan Văn Anh Vũ về nội dung này trước”. Tuy nhiên, bị cáo Bình trình bày thêm: “Bị cáo xác nhận là không bàn bạc gì về nội dung cụ thể số tiền đó với Phan Văn Anh Vũ nhưng khi bị cáo trao đổi với Nguyễn Đức Vinh thật lòng bị cáo muốn gián tiếp cho Vũ biết tình hình của DAB khi nói Vinh treo quỹ, đó là suy nghĩ của bị cáo… Trong nhận thức của bị cáo, bị cáo nghĩ rằng Vũ biết”.
Làm rõ trách nhiệm của NHNN
Buổi chiều, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) và chủ tọa cũng tập trung thẩm vấn đại diện NHNN để làm rõ trách nhiệm của cơ quan này trong việc giám sát, thanh tra DAB hằng năm nhưng không phát hiện sai phạm của Trần Phương Bình, để bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, từ năm 2007 - 2014.
Đại diện NHNN trình bày: “NHNN đồng ý cho DAB tăng vốn trên cơ sở đại hội cổ đông thường niên của DAB đồng ý, giao cho HĐQT DAB ra văn bản gửi NHNN chi nhánh TP.HCM xin tăng vốn điều lệ. Đồng thời, việc tăng vốn của các tổ chức tín dụng khi thực hiện phải đúng các quy định pháp luật. Khi tăng vốn đủ thì NHNN mới xuống kiểm tra, rằng có đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN đặt ra hay không, để thông qua”.
Chủ tọa chất vấn: “Vừa rồi ông ngồi dưới nghe Trần Phương Bình và đồng phạm khai rồi, từ 2007 - 2014 tất cả nguồn tiền tăng vốn điều lệ là từ DAB và đều nộp khống, ông giải thích như thế nào về chỗ này? NHNN đã kiểm tra như thế nào mà nguồn tiền tăng vốn điều lệ là không có thật, toàn bộ là nộp khống mà vẫn không biết?”, thì NHNN cho rằng đoàn kiểm tra và thanh tra NHNN không biết do hành vi phạm tội của Trần Phương Bình và đồng phạm quá tinh vi.
Chủ tọa tiếp: “Tinh vi hay không tinh vi, HĐXX sẽ xem xét và sẽ xem luôn trách nhiệm của đoàn kiểm tra NHNN và cơ quan thanh tra giám sát NHNN vì nếu chỉ để ý một chút thôi là thấy dòng tiền kế toán đi không đúng và nếu cho rằng tinh vi thì tất cả sổ sách kế toán phải phù hợp với quỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.