Theo cáo buộc của viện kiểm sát, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, và Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN), có vai trò xuyên suốt đối với sự ra đời của kit test Việt Á.
"Kit của ông Hùng"
Theo cáo buộc, ông Trịnh Thanh Hùng chính là người giới thiệu để Công ty Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu kit test. Bị cáo còn câu kết, thông đồng với Phan Quốc Việt thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, nhằm biến sản phẩm test xét nghiệm từ sở hữu của Nhà nước sang sở hữu tư nhân. Sau đó, Công ty Việt Á sản xuất, bán thương mại, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.
Do có thỏa thuận ăn chia phần trăm doanh thu từ trước, ông Hùng được bị cáo Việt 2 lần đưa tiền với tổng số 350.000 USD, tương đương hơn 8 tỉ đồng. Cựu phó vụ trưởng bị đề nghị tuyên phạt mức án 14 - 15 năm tù về tội nhận hối lộ.
Xem nhanh 12h ngày 12.1: Trùm Việt Á và 2 cựu bộ trưởng sắp lãnh án
Quá trình xét xử, ông Hùng thừa nhận cầm 350.000 USD từ Phan Quốc Việt, nhưng cho rằng đây đều là các dịp lễ, tết, nhận vì theo "truyền thống văn hóa", đối phương đến cảm ơn sau khi công việc đã xong. Bị cáo nói không thỏa thuận ăn chia lợi ích với phía Công ty Việt Á, mục đích lớn nhất khi giới thiệu Công ty Việt Á tham gia đề tài là để nhanh chóng có một bộ kit test phục vụ phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, lập luận trên của cựu phó vụ trưởng bị viện kiểm sát bác bỏ. Kiểm sát viên cho hay, cơ quan tố tụng đã thu thập được rất nhiều dữ liệu là các tin nhắn trao đổi giữa ông Hùng và Phan Quốc Việt. Trong số này, có tin nhắn bị cáo gọi là "kit ông Hùng", ngầm hiểu rằng ông Hùng có công rất lớn khi tác động đến sự ra đời của bộ kit test Covid-19.
Hay như tin nhắn "đi làm chứng minh thư đi, không là mòn hết vân tay". Viện kiểm sát cho biết từng đề nghị giải thích "mòn vân tay" nghĩa là sao, thì được ông Hùng trả lời rằng "sợ mòn vân tay vì đếm nhiều tiền". Chưa kể, một số tin nhắn giữa 2 người còn nhắc đến vấn đề "cổ đông" ngay từ giai đoạn đang triển khai đề tài nghiên cứu kit test.
Vẫn theo lời kiểm sát viên, cơ quan công tố có đầy đủ chứng cứ để kết luận sai phạm của cựu phó vụ trưởng, vì vậy quan điểm cho rằng bị cáo không có sự thỏa thuận ăn chia là không có cơ sở chấp nhận.
Luật sư đề nghị khách hàng trả tiền cho Việt Á
Vụ án này, Công ty Việt Á được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bảo vệ quyền lợi cho công ty tại tòa, luật sư cho rằng cần xem xét lại con số hưởng lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng mà viện kiểm sát cáo buộc.
Theo luật sư, số tiền trên gồm hơn 402 tỉ đồng từ việc bán kit test cho 19 tỉnh, thành phố có sai phạm về đấu thầu, đang bị xét xử; phần còn lại khoảng 833 tỉ đồng từ bán kit test cho 193 đơn vị, cá nhân khác.
XEM NHANH 20H ngày 11.1: Nhìn lại đại án Việt Á trước ngày tuyên án
Luật sư cho rằng, 833 tỉ đồng nêu trên không phải là hậu quả từ sai phạm của Phan Quốc Việt và đồng phạm. Bởi lẽ, trong 193 đơn vị này có các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cá nhân, hội nhóm..., tức không phải là đối tượng điều chỉnh của luật Đấu thầu. Nghĩa là, việc mua bán giữa hai bên không qua đấu thầu mà thực hiện bằng hợp đồng dân sự, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng pháp luật tố tụng dân sự.
"Viện kiểm sát gộp 833 tỉ đồng vào hậu quả thiệt hại nhưng cáo trạng lại không xác định sai phạm cụ thể của ai gây ra, ở đơn vị nào, ở gói thầu nào hoặc hợp đồng nào…", luật sư nêu.
Đáng chú ý, luật sư cho hay, hiện còn 79 khách hàng mua kit test của Công ty Việt Á, nợ 788 tỉ đồng chưa trả. Công ty đã gửi danh sách đến tòa nhưng những khách hàng này không được đưa vào vụ án với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Khi luận tội, viện kiểm sát cũng không kiến nghị dành cho Công ty Việt Á quyền khởi kiện vụ án dân sự với các khách hàng, "rất thiệt thòi" cho công ty. Vì vậy, luật sư kiến nghị tòa tuyên 79 khách hàng phải trả Công ty Việt Á số tiền còn nợ.
Liên quan đến vấn đề thiệt hại, đại diện viện kiểm sát cho hay, Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit, lấy tiền hối lộ quan chức và chi "hoa hồng" ngoài hợp đồng, nên khoản lợi nhuận hơn 1.235 tỉ đồng là bất hợp pháp. Đến nay, có đủ cơ sở kết luận và đưa ra xét xử đối với số tiền thiệt hại hơn 402 tỉ đồng; phần còn lại, gồm một số cơ quan, đơn vị, vẫn đang tiếp tục được điều tra, xử lý.
Kết thúc phần tranh luận, hội đồng xét xử tuyên bố nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 12.1.
"Không phải thích giá nào thì cho giá đó"
Theo cáo trạng, từ năm 2020 - 2021, Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỉ đồng để mua nguyên liệu, sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit test.
Tính toán chi phí nguyên vật liệu, chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, cơ quan tố tụng kết luận giá thành sản xuất 1 kit test Việt Á là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty Việt Á nâng khống mức giá lên tới 470.000 đồng/kit test.
Một số luật sư cho rằng mức giá 143.000 đồng là chưa hợp lý, cần phải tiến hành trưng cầu định giá để có cơ sở xác định thiệt hại vụ án.
Đại diện viện kiểm sát cho hay, việc xác định giá thành kit test Việt Á là khách quan, chính xác, được hình thành từ 6 nguồn chứng cứ chứ "không phải thích giá nào thì cho giá đó".
Các nguồn chứng cứ gồm thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định chất lượng kit test, xác minh đầu vào nguyên liệu, lấy lời khai nhân viên Công ty Việt Á…
Bình luận (0)