'Đại bàng' sản xuất vũ khí dời tổ về Nhật Bản

08/09/2023 19:37 GMT+7

Các nhà sản xuất vũ khí lớn của thế giới đang dời trụ sở hoạt động ở châu Á của họ về Nhật Bản trong lúc nước này tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Đối diện tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại khu vực Đông Á, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện kế hoạch củng cố quân sự. Ngân sách quốc phòng của nước này cho tài khóa 2023-2027 là 43.000 tỉ yên (293 tỉ USD), cao hơn 1,5 lần so với 5 năm trước. Số tiền này gồm 5.000 tỉ yên dành để mua tên lửa tầm xa và 9.000 tỉ yên để thay thế các hệ thống cũ, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm 2022 lớn thứ 10 trên thế giới, chiếm 2% tổng ngân sách quân sự toàn cầu, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển).

'Đại bàng' sản xuất vũ khí dời tổ về Nhật Bản - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ F-35A được trình làng sau khi lắp ráp tại nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries tại Nhật

AFP

Đại bàng xây tổ tại Nhật

Để đón đầu kế hoạch này, các hãng quốc phòng lớn đang dành sự chú ý cho Nhật Bản, theo tờ Nikkei Asia ngày 28.8. BAE Systems, công ty hàng không và vũ khí hàng đầu của Anh, sẽ chuyển bộ phận giám sát hoạt động tại châu Á từ Malaysia sang Nhật Bản vào cuối năm nay, đồng thời bổ nhiệm một tổng giám đốc điều hành toàn bộ chiến lược kinh doanh của khu vực châu Á làm việc tại Nhật Bản. Hồi tháng 1.2022, BAE Systems thành lập một công ty con tại Nhật Bản. Công ty Anh đang đóng vai trò cốt lõi trong Chương trình tác chiến trên không toàn cầu (GCAP), dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới giữa Nhật Bản, Anh và Ý.

Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn từ Mỹ, cũng đã hoàn tất việc chuyển giao tương tự từ Singapore sang Nhật gần đây. Bước đi của Lockheed Martin diễn ra cùng lúc với việc gia tăng căng thẳng tại Đông Bắc Á với các vụ phóng tên lửa liên tục của CHDCND Triều Tiên và nguy cơ xung đột vì Đài Loan gia tăng. Công ty Mỹ có quan hệ gần gũi với Nhật Bản qua các hợp đồng như hệ thống phòng thủ tên lửa Năng lực tiên tiến Patriot 3 (PAC 3) hay chiến đấu cơ tàng hình F-35. Lockheed Martin Nhật Bản sẽ quản lý luôn hoạt động của công ty tại Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường khác.

L3Harris Technologies, công ty công nghệ - quốc phòng của Mỹ, cũng đã thành lập công ty con tại Nhật vào tháng 6.2022. Ông Daniel Zoot, Phó chủ tịch đơn vị này, nói rằng L3Harris sẽ đáp ứng những nhu cầu mới tại Nhật như máy bay không người lái (UAV) và thiết bị chiến tranh điện tử. Công ty đã đối thoại với Bộ Quốc phòng Nhật về nhiều lĩnh vực.

'Đại bàng' sản xuất vũ khí dời tổ về Nhật Bản - Ảnh 2.

Các quan chức quân sự Ý tại triển lãm quốc phòng DSEI Japan tại Nhật hồi tháng 3

REUTERS

Hãng sản xuất vũ khí Thales của Pháp cũng dự tính tăng cường số nhân viên tại Nhật Bản và thắt chặt mối quan hệ với các đối tác. Tập đoàn này có mối liên hệ với hãng Mitsubishi của Nhật trong việc phát triển và sản xuất các thiết bị như máy rà mìn.

Trong khi đó, nhà thầu quốc phòng STM của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cân nhắc tham dự một triển lãm quân sự mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự tính tổ chức trong mùa thu này. Hồi tháng 3, STM đã trưng bày các UAV tự sát và nhiều vũ khí khác tại triển lãm thiết bị quốc phòng quốc tế DSEI Japan tại thành phố Chiba.

Công ty nội địa gặp khó

Sự hiện diện của các công ty nước ngoài dự kiến gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa Nhật Bản. Hiện nay, việc sản xuất thiết bị quốc phòng của các công ty Nhật gần như chỉ ở điểm hòa vốn và các công ty hoạt động đa ngành không thể gánh nổi chi phí để duy trì mức lợi nhuận thấp trong mảng quốc phòng của họ, theo Nikkei Asia. "Sẽ rất khó cho chúng tôi để tiếp tục việc kinh doanh trừ khi đảm bảo khả năng lợi nhuận tăng lên, bên cạnh việc tăng ngân sách", một vị điều hành của một nhà thầu lớn của Nhật nói.

Hồi tháng 3, Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ và quản lý tư nhân cho biết một số tập đoàn lớn trong nước không mặn mà với việc đầu tư vào mảng quân sự bởi các vấn đề như biên độ lợi nhuận thấp, nguy cơ tài chính khi xây nhà máy sản xuất và bị bỏ không sau khi chương trình tăng cường quân sự của chính phủ hoàn tất, ảnh hưởng hình ảnh của công ty. Tại một đất nước mà thái độ phản đối của công chúng đối với chủ nghĩa quân sự đã ăn sâu, thì việc đầu tư vào mảng quân sự được coi là khó khăn cho một số nhà cung cấp. Tại Mitsubishi Heavy Industries, công ty quốc phòng lớn nhất của Nhật tham gia dự án GCAP và tên lửa tầm xa mới, các hợp đồng quân sự chỉ chiếm 1/10 tổng doanh thu 29 tỉ USD trong năm ngoái.

'Đại bàng' sản xuất vũ khí dời tổ về Nhật Bản - Ảnh 3.

Mô hình chiến đấu cơ GCAP mà Nhật, Anh và Ý đồng phát triển và sản xuất

REUTERS

Chính phủ Nhật được cho là đã chuẩn bị quy định giúp tăng biên độ lợi nhuận của thiết bị quân sự lên đến 15% và cho các công ty sử dụng nhà máy của nhà nước để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, những kế hoạch này được cho là không đủ.

Sự xuất hiện của các công ty nước ngoài khiến khả năng sinh lời của các công ty Nhật có thể giảm thêm vì giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, các nhà cung cấp linh kiện tầm trung cho các hãng sản xuất vũ khí lớn lại đang kỳ vọng số lượng đơn hàng tăng lên nếu các công ty nước ngoài kéo đến.

Ngành công nghiệp vũ khí của Nhật có nền tảng kinh doanh rộng với khoảng 1.100 công ty tham gia sản xuất máy bay chiến đấu, 1.300 công ty liên quan việc sản xuất xe tăng và 8.300 công ty liên quan đóng tàu chiến.

Để bắt kịp các ông lớn về sản xuất vũ khí nước ngoài, Nhật Bản đang tập trung vào các công ty nội địa quy mô nhỏ hoặc tầm trung và các công ty khởi nghiệp tham gia sản xuất phụ tùng, linh kiện. Tuy nhiên, nhiều công ty rút lui khỏi việc sản xuất vì lợi nhuận thấp nên Nhật Bản sẽ gặp thử thách trong việc liệu có thể tăng cường nền tảng cho ngành này thông qua việc hợp tác công và tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.