Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: 'Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/06/2022 11:56 GMT+7

Cho rằng học sinh tiểu học không cần đến sách tham khảo nhưng cứ bán thì bố mẹ sẽ mua cho con để bằng bạn, bằng bè, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo.

Ngày 2.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Gia hân

Nêu ý kiến, nhiều đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát, tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc với từng lớp học, cấp học.

Ngoài sách giáo khoa bắt buộc, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu.

Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) đề nghị Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông để nhân dân, phụ huynh học sinh hiểu sách giáo khoa có 2 loại gồm: sách bắt buộc học sinh phải có để học và loại sách bổ trợ, tham khảo không bắt buộc phải mua.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm không cần truyền thông để người dân hiểu sách tham khảo là không cần mua như đại biểu Thành đề nghị.

"Ai cũng hiểu điều ấy, ngay tên sách là “sách tham khảo” người ta đã hiểu là không cần mua. Nhưng nếu sách tham khảo có bán thì chắc các bố mẹ học sinh vẫn sẽ mua cho con mình bằng bạn bằng bè", đại biểu Bình Định nêu.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, vấn đề đặt ra là sách tham khảo này là nguồn lợi lớn cho các nhà xuất bản và cần hạn chế tối đa loại sách này.

"Nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra rằng sách tham khảo trên thế giới chỉ nên dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng của mình, học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo. Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu Hiếu khẳng định, việc đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những sản phẩm tốt và rẻ hơn...

"Chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình", ông Hiếu nêu.

Trước đó, chuyện đổi mới sách giáo khoa, giá sách giáo khoa là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong 2 ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình trước Quốc hội đã khẳng định Bộ GD-ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục cần tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo Nhà xuất bản thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách cho học sinh thuộc các đối tượng, các vùng khó khăn và đã chỉ đạo Nhà xuất bản cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục, là doanh nghiệp nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý, ông Sơn cho biết Bộ đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa các khâu trung gian.

Theo Bộ trưởng Sơn, một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.