Đại biểu Quốc hội: Chậm thanh toán phòng chống dịch Covid-19 do sợ sai, sợ trách nhiệm?

Mai Hà
Mai Hà
07/01/2023 16:52 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí băn khoăn tại sao việc thanh toán cho phòng, chống dịch Covid-19 lại chậm. Kinh phí thì có, nhưng phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm hay tâm lý sợ sai?

Chiều 7.1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 với các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khẳng định nghị quyết đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

Gia hân

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn tại sao việc thanh toán cho phòng, chống dịch lại chậm? Cần nhìn nhận lý do vì sao để chậm trễ như vậy, bởi Quốc hội đã cho phép, Chính phủ không phải thiếu kinh phí.

Ông đặt vấn đề phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm, hay bị mất phương hướng sau khi một loạt sai phạm xảy ra và vì những người có trách nhiệm sợ sai? Đại biểu Trí đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc này quyết liệt, "cần làm ngay, chỉ ra cách làm như thế nào và cụ thể cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Đừng để tồn đọng nữa, mất niềm tin của nhân dân".

Đại biểu Quốc hội: Chậm thanh toán phòng chống dịch Covid-19 do sợ sai, sợ trách nhiệm?

Liên quan đến vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vắc xin nên dịch bệnh sớm được dập tắt. Tuy nhiên, ông đề xuất Việt Nam cần tự sản xuất vắc xin riêng.

"Thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vắc xin lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ", ông Trí nêu và cho rằng, để có thể sản xuất vắc xin, chúng ta phải hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vắc xin có thời gian thành lập và phát triển từ 15 đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vắc xin một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những đợt dịch khác.

Đại biểu Dương Khắc Mai: Cần có chính sách đủ mạnh để "xốc" lại tinh thần xả thân vì cộng đồng

"Chậm thanh toán gây tổn thương tuyến đầu phòng, chống dịch"

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Nghị quyết 30 ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch. Nghị quyết là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách; tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, thay đổi cục diện chống dịch.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những phát sinh trong quá trình chống dịch.

Ông cũng lưu ý việc này phải được thực hiện với tinh thần khách quan, như một chứng cứ lịch sử để làm cẩm nang cho hiện tại và cho con cháu mai sau.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất có chính sách đủ mạnh để xốc lại tinh thần xả thân vì cộng đồng của lực lượng tham gia phòng, chống dịch

gia hân

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, cần phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phải đủ mạnh để xốc lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, tinh thần xả thân vì cộng đồng của tất cả các lực lượng tham gia chống dịch.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì đề nghị tăng thêm chi phí cho ngành y để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống dịch. Theo ông, nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Ông Ngân cho rằng, việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch phải đơn giản, rút gọn. Vì "chậm thanh toán đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch”.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí phòng chống dịch

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, trong 3 năm qua, ngành y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 30 được ban hành đã giúp ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch.

Bà Đào Hồng Lan lý giải nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí là do trong quá trình chống dịch các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành y tế phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng kết 3 năm trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó, đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Chính phủ đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỉ đồng kinh phí chống dịch Covid-19
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.