Sáng 1.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều ý kiến gợi mở giải pháp để ngăn ngừa xảy ra các vụ hỏa hoạn như thời gian vừa qua.
Vòi xịt đôi khi còn có hiệu quả cao hơn bình chữa cháy
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nói hiện nay nhà ở hầu hết nằm trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy khó tiếp cận; trong khi với chung cư cao tầng, phương tiện chữa cháy mới chỉ tiếp cận được đến tầng 17, cao hơn sẽ rất khó. Thực tế này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ hơn về phương án PCCC.
Một trong những lưu ý được ông Thành gợi mở, đó là nguồn nước chữa cháy. Vị đại biểu phân tích, công tác PCCC đang chủ yếu tiếp cận theo hướng nguồn nước riêng biệt từ các cụm chữa cháy hoặc sông, ao, hồ…; tức là tiếp cận một phía, từ dưới lên. Trong khi đó, có một nguồn nước rất quan trọng khác, từ trên xuống, đó là nguồn nước từ hộ gia đình trong các căn chung cư. Việc khai thác nguồn nước này sẽ giúp PCCC linh hoạt, kịp thời.
Ông Thành đề xuất mỗi gia đình, kể cả chung cư, nên bố trí một ụ nước hoặc vị trí vòi nước, cùng hệ thống dây dẫn, vòi xịt để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Theo ông, hầu hết sự cố cháy đều xuất phát từ một điểm, nếu xử lý ngay từ đầu thì sẽ có cơ hội dập tắt cháy ở căn hộ đó trước khi lửa lan rộng. "Bình chữa cháy đôi khi có lúc hoạt động có lúc không, hiệu quả không cao bằng vòi xịt nước", vị đại biểu nhận định.
Cùng cho ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) phản ánh chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Bà Luyến đề nghị cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe PCCC, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Cần có lộ trình với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Điểm a khoản 2 điều 20 dự thảo luật PCCC, cứu nạn, cứu hộ quy định: nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không được bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng cần xem lại nội dung trên, nếu quy định như dự thảo thì nên theo hướng khuyến khích hoặc phải có lộ trình phù hợp. Bởi lẽ, quy định "cứng" như dự thảo là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
Ông Mai phân tích, vì điều kiện kinh tế, nhiều hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác; các gian hàng, ki ốt ở chợ cũng không đủ diện tích để bố trí riêng biệt nơi bán hàng và chỗ ngủ một cách rõ ràng; hay như trường hợp nhân viên bảo vệ thường ngủ trưa hoặc ngủ qua đêm tại nơi sản xuất, kinh doanh…
Từ thực tế đã nêu, vị đại biểu đoàn Đắk Nông kiến nghị đánh giá thêm về số lượng nhà ở kết hợp kinh doanh trên cả nước không đáp ứng được quy định như dự thảo đưa ra, để có hướng xử lý cho phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề xuất bổ sung một khoản quy định riêng về phòng cháy đối với công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh.
Bà Vang dẫn nhận định của các chuyên gia cho thấy có đến 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đang hoạt động trên cơ sở các công trình cải tạo từ nhà ở riêng lẻ.
Luật Xây dựng quy định rõ việc cải tạo mà làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ… thì phải được cấp phép sửa chữa, cải tạo. Tuy nhiên, các công trình nhà ở cải tạo để làm karaoke, quán bar, vũ trường… hầu như không xin phép xây dựng. Vì không xin phép nên các yêu cầu về PCCC bị bỏ qua.
Nữ đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định như đã nêu, nhằm đảm bảo cơ sở cho cơ quan chuyên môn thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định pháp luật.
Bình luận (0)