Đại biểu Quốc hội: 'Không biết triết lý giáo dục nằm ở đâu?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/11/2018 15:11 GMT+7

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội không biết triết lý giáo dục nằm ở đâu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia để nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam.

Giải trình thêm trước Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi sáng nay, 15.11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, triết lý giáo dục là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm và đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, vì liên quan tới quan điểm giáo dục.
“Hiện, chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia để nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục Việt Nam trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục, để tạo ra sự thống nhất cao, từ đó có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động giáo dục tới đây”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Thảo luận trước đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, không quá khó để tìm thấy một khẩu hiệu trong các trường học hiện nay, nhưng ông Nhân băn khoăn liệu có khẩu hiệu nào đủ cô đọng để trở thành triết lý giáo dục của Việt Nam hay không?
“Không ít lần, các học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: vậy, triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định từ trong dự luật lần này soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam?”, đại biểu Nhân nêu.
Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Đáng chú ý, đại biểu đoàn Bình Dương nhận xét thêm, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục trong dự thảo lần này so với luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm dường như không thay đổi gì nhiều và “hầu như chỉ tập trung vào giải quyết sự vụ, vụ việc”.
“Đây có phải là nguyên nhân tuy đã minh định mục tiêu, phương pháp, nội dung giáo dục từ rất lâu, nhưng quốc gia vẫn chưa có được một nền giáo dục như mong muốn của xã hội?”, đại biểu Nhân đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường, thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục, đại biểu Nhân cho rằng, xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Tri Thức (Thanh Hóa) nhận xét, mục tiêu giáo dục quy định trong dự thảo luật tập trung tất cả những ngôn từ đúng, hay, đẹp nhưng ông lo khi đưa vào cuộc sống luật này để cụ thể hóa thành phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục chúng ta sẽ như "chim chích vào rừng rậm" vì rất khó.
Đại biểu Thức dẫn chứng, điều 2 dự thảo luật nêu: "Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe", nhưng điều 28 lại nêu: "Đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ". “Không biết "trí tuệ" với "tri thức" khác nhau chỗ nào, "thể chất" và "sức khỏe" khác nhau chỗ nào, cụ thể hóa vào chương trình như thế nào?”, đại biểu Thức nêu, và đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại triết lý giáo dục để đảm bảo tính thời đại, hiện đại mà giữ được truyền thống văn hóa dân tộc.
“Với khái niệm sâu sắc và quá nhiều như thế này, không biết triết lý giáo dục nằm ở đâu. Tôi tha thiết đề nghị các giáo sư, các nhà giáo dục xuất chúng của đất nước mình nên thu gọn lại cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng”, đại biểu Thức nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.