Không đứng yên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/06/2018 05:11 GMT+7

Hôm qua (6.6), là bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ là người nhận được nhiều ý kiến chất vấn cũng như tranh luận nhất.

Hệ thống máy tính của tòa nhà Quốc hội đã bị treo vì quá nhiều đại biểu đăng ký.
Rất nhiều câu hỏi của ĐB phải trả lời bằng văn bản.
Điều này không có gì ngạc nhiên. Bởi lẽ giáo dục là lĩnh vực thiết thân với tất cả người dân. Điều đáng nói là trong suốt hơn một thập niên vừa qua, người dân đã trải qua đủ cả hỉ, nộ, ái, ố vì những thay đổi của nền giáo dục nước nhà.
Trong phần chất vấn, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đã phải thốt lên: Trong hơn một thập niên nay, giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra là cải cách và đặc biệt liên tục thay đổi sách giáo khoa nhưng chất lượng giáo dục đào tạo vẫn không được cải thiện.
Câu hỏi mà ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đặt ra có lẽ phản ánh đầy đủ nỗi “ám ảnh” của nhiều người về những đổi mới của giáo dục: Nền giáo dục của chúng ta sẽ mất bao lâu để đi hết con đường quá độ của đổi mới - nơi học sinh, phụ huynh và cả giáo viên liên tục phải chứng kiến những thay đổi và coi đó như “cái giá” buộc phải trả của quá trình cải cách giáo dục?
Trả lời câu hỏi này, “tư lệnh” ngành giáo dục khẳng định: Chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện nên giáo dục không thể đứng yên.
Giáo dục không thể đứng yên và những thay đổi là tất yếu của quá trình đổi mới. Thế nhưng, không phải bất cứ sự thay đổi nào cũng là đổi mới. Mọi sự thay đổi, đặc biệt là trong giáo dục, cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu thực tiễn đầy đủ, khoa học, trên cơ sở một tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn và quan trọng hơn là trên cơ sở một triết lý giáo dục được xác định một cách tường minh, trong đó phải đặt người học vào vị trí trung tâm chứ không phải là bám vào từng câu chữ của các nghị quyết. Thế nhưng, điều này dường như chưa quán xuyến những cải cách giáo dục thời gian qua.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã đề nghị Bộ trưởng Nhạ làm rõ cốt lõi của triết lý giáo dục làm nền tảng cho công tác điều hành của ngành giáo dục là gì, bởi lẽ người tiền nhiệm của ông Nhạ cho rằng triết lý giáo dục VN là Nghị quyết 29 dài 12 trang. Sẽ cần thêm hội thảo khoa học, cần huy động kiến thức chuyên gia, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu thiếu đi một triết lý giáo dục thực sự rõ ràng, những nỗ lực cải cách và đổi mới của ngành giáo dục sẽ không thể tạo ra nền tảng căn cơ cho những chuyển động căn cơ mà hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.