Chưa chốt "số ghế" phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp 8 Quốc hội XIV, sáng 25.10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về đề xuất giảm phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành là 2 phó chủ tịch hoặc quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận và xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên số lương 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách như hiện tại. Còn phương án 2 vẫn quy định lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng nếu chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Theo ông Phúc, cả 2 phương án đều có nhược điểm. Phương án 1 thì chưa giảm được số lượng cấp phó đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, với phương án 2 thì khi chủ tịch Hội đồng nhân dân thay đổi từ hoạt động chuyên trách sang kiêm nhiệm hoặc ngược lại, thì số phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cũng phải bố trí thay đổi theo để bảo đảm luôn có 2 lãnh đạo Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
"Đây là vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện", ông Phúc nói.
Nhân dân rất nóng nhưng hội trường đại biểu rất lạnh
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có nhiệm vụ của thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, có tới 10 nhóm nhiệm vụ, chưa kể các nhiệm vụ khác.
Bên cạnh đó, với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp là tức là phân quyền, do vậy, việc tăng cường giám sát là hết sức cần thiết. Từ đó, theo bà Hằng, giữ nguyên số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân là để đảm bảo tính bao quát và xác định cụ thể số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động chuyên trách.
Theo bà Hằng, theo phương án 2 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thì trong một điều luật lại có 2 phương án xảy ra. "Thưa Quốc hội, nếu như chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 phó chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp, chỉ 1 phó chủ tịch cũng rất là thiếu người, vì không phải nội dung nào chủ tịch cũng đi".
Bà Hằng cũng cho rằng, trong luật cũng không nên đưa ra phương án là nếu - thì. "Ta nên đưa thống nhất luôn, xác định rõ là có chủ tịch và 2 phó chủ tịch và 2 phó chủ tịch này là hoạt động chuyên trách", đại biểu Hằng kiến nghị.
Thảo luận sau đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng trong định hướng của Đảng ta hiện nay, bí thư tỉnh ủy sẽ kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân. Do đó, dự báo đa số bí thư sẽ là chủ tịch Hội đồng nhân dân, trường hợp khác là phó bí thư thường trực.
|
"Nếu có trường hợp khác hoạt động chuyên trách thì là tình huống cán bộ thì không phổ biến và không kéo dài. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần 2 phó chủ tịch", ông Hiểu nói, đồng thời cho rằng, công tác giám sát đòi hỏi chuyên môn rất cao nên cần 2 phó chủ tịch để một phụ trách về kinh tế, một phụ trách về văn hóa xã hội mới đủ chuyên môn sâu để giám sát hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Hiểu cũng đề nghị 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân là phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để tiết kiệm nhân sự, hơn nữa sẽ có nhiều chất liệu, kiến thức từ địa phương để chuyển đến Quốc hội và có nhiều kinh nghiệm Quốc hội để triển khai ở cơ quan dân cử địa phương.
Ông Hiểu nêu quan điểm, khi bàn giảm hay tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì quan trọng là giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào giữ thì chúng ta phải giữ, nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu Hội đồng nhân dân, đây mới là cái gốc của vấn đề.
"Nếu không dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được, ngoài ra có thể dẫn đề việc rất phản cảm, mà có nhiều nơi người ta phải dùng đến từ “nghị gật”. Tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được. Trong khi nhân dân thì nóng, hội trường đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã thì rất lạnh, không có đại biểu nào có ý kiến gì cả", ông Hiểu nói thêm.
Bình luận (0)