Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: 'Bệnh viện tự chủ nên vận hành như công ty'

06/01/2023 18:15 GMT+7

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cần quy định để các bệnh viện tự chủ vận hành như một công ty.

Tự chủ nhưng không khác gì không tự chủ

Chiều 6.1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chiều 6.1

GIA HÂN

Nêu băn khoăn về quy định tự chủ bệnh viện trong dự thảo luật, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM), dự thảo luật có nêu cho phép bệnh viện tự chủ trong quyết định về nhân sự "theo quy định của pháp luật”, nhưng lại không ghi rõ là theo luật nào, đồng thời cũng không nêu rõ nguyên tắc của việc này.

“Tôi thấy nếu không nói cụ thể thì phải nói các nguyên tắc của tự chủ. Nếu không, đợi hướng dẫn của Chính phủ thì không biết sự hướng dẫn có phù hợp với cái chúng ta suy nghĩ hay mong muốn hay không”, ông Nhân nói.

Dẫn ví dụ tự chủ trong chi trả lương, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế, ông Nhân cho biết, hiện chưa có quy định cấp luật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nên nếu tuân thủ theo Nghị định 60 (về tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công - PV), quy định trả lương theo ngạch, bậc và lương tăng thêm không được quá 2 lần lương cơ sở sẽ không đáp ứng được yêu cầu tự chủ về tổ chức, cán bộ.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cho phép bệnh viện tự chủ nhưng lại yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật thì “không khác gì bệnh viện không tự chủ”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường

gia hân

“Chẳng hạn, tuyển dụng, sa thải, đề bạt tất cả đều tuân thủ quy trình viên chức như trong bệnh viện không tự chủ; như vậy thì không thể nào tự chủ nhân sự”, ông Cường phân tích.

Theo ông Cường, tự chủ bệnh viện, quan trọng nhất là bệnh viện đó có đủ khả năng tự quyết những vấn đề của bệnh viện hay không. Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị dự thảo trước hết phải đưa ra điều kiện tự chủ, trong đó điều kiện tiên quyết là năng lực quản trị, khả năng tự quyết định của bệnh viện, sau đó mới đến các mức độ về tự chủ tài chính.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: 'Bệnh viện tự chủ nên vận hành như công ty'

Giá khám, chữa bệnh phải phân ra 2 luồng mới khả thi

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Cường cho rằng, nên chia làm 2 loại. Một là giá dịch vụ cơ bản đáp ứng phần đông mọi đối tượng và không vượt quá theo quy định nhà nước; thứ 2 là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu do bệnh viện tự quyết định dựa trên quy định về cấu thành giá của Bộ Y tế.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nên để các bệnh viện tự chủ vận hành như một công ty

gia hân

Để làm được điều này, ông Cường cho rằng, cả 2 loại giá phải cùng dựa trên một phác đồ điều trị giống nhau. Sự khác nhau về giá nằm ở nguồn gốc xuất xứ của thuốc, thiết bị của yếu tố dịch vụ đi kèm.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng đề xuất cần phân giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ra 2 luồng mới đảm bảo tính khả thi.

Một là giá thu viện phí được bảo hiểm chi trả, cần lộ trình tính đúng, tính đủ. "Việc này rất quan trọng, luật phải nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội. Hiện, tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm rất tốt, đã ở mức 92%, vượt yêu cầu của Quốc hội; lộ trình tới năm 2025 độ phủ bảo hiểm tới 95%”, ông Hiếu nói.

Loại giá thứ 2 là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Đây sẽ là động lực để các cơ sở y tế, bệnh viện phát triển. Bộ Y tế chỉ quy định chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế như chất lượng nhân lực, máy móc...

Về tự chủ bệnh viện công, theo ông Hiếu, đây là vấn đề khó nhất nhưng nếu giải quyết được giá khám bệnh theo yêu cầu thì sẽ tường minh, “làm tốt được thì sẽ nuôi tốt được quân”.

“Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty, nhưng có thêm tính chính trị là đáp ứng trong tình huống cấp cứu người bệnh. Bệnh viện có thể vay, thuê, cho thuê theo luật Doanh nghiệp, bên cạnh việc phát triển các mô hình bệnh viện phi lợi nhuận”, ông Hiếu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.