Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện công phát triển

Duy Tính
Duy Tính
13/12/2022 07:05 GMT+7

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan vừa có ý kiến gửi Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Trong đó, bà nêu nhiều đề xuất để ngành y tế, các bệnh viện công lập phát triển.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) vừa có ý kiến gửi Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Trong đó, bà nêu nhiều đề xuất để ngành y tế, các bệnh viện (BV) công lập phát triển trong tình hình mới.

Phải đánh giá tự chủ bệnh viện quy mô quốc gia

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, trong dự thảo 29.11 (đã qua nhiều lần chỉnh sửa), cơ chế tài chính và tự chủ BV, xã hội hóa được quy định trong chương X (các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh - KCB). Nói về các điều kiện bảo đảm về tài chính từ điều 106 - 111, theo bà là chưa đủ căn cứ và chưa đáp ứng thực tế, dù đã có nhiều quy định thông thoáng hơn.

Cần quy định quyền, nghĩa vụ thân nhân người bệnh trong BV để nhân viên y tế yên tâm

DUY TÍNH

“Để xây dựng các quy định trong luật KCB sửa đổi lần này, cần phải có đầy đủ các căn cứ đánh giá hoạt động xã hội hóa (XHH) y tế, tự chủ BV mà chúng ta đã tiến hành những năm gần đây. Muốn vậy, theo tôi, bắt buộc phải tiến hành tổng kết đánh giá hoạt động trên quy mô quốc gia, và so sánh tham khảo cơ chế hoạt động của các BV trong khu vực và trên thế giới. Vì mục tiêu cao nhất của việc XHH y tế là giúp cho y tế phát triển hơn, nâng cao chất lượng BV thông qua việc đa dạng hóa các nguồn thu, giao quyền cho BV được tự chủ để phát huy năng lực. Nhưng chúng ta đã làm được những gì?”, PGS-TS Phong Lan đặt vấn đề.

PGS-TS Phong Lan cho rằng, thành tựu nổi bật nhất trong triển khai chính sách XHH là sự ra đời và phát triển của hệ thống y tế tư nhân, hoạt động gần như theo cơ chế thị trường và khá tự chủ. Nhưng do đặc thù chi phí KCB tư nhân chênh lệch lớn với chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) nên y tế tư nhân không thể phục vụ cho số đông có thu nhập thấp.

Trong khi hệ thống BV công lập đang hết sức lúng túng khi thực hiện tự chủ (một phần lẫn toàn diện), đặc biệt là các BV đa khoa, và một số BV chuyên khoa đặc thù (lao phổi, bệnh nhiễm...). Vì sao? Vì chính sách này chỉ thể hiện chủ yếu là ngân sách nhà nước cắt chi phí (từ chi phí thường xuyên lương bổng, đến chi phí đầu tư trang thiết bị), BV phải tự xoay xở các nguồn thu, trong đó chủ yếu đến từ nguồn KCB dịch vụ. Nhưng BV lại không thể tự định giá thu dịch vụ, trong khi vẫn phải đảm nhận KCB BHYT cho số đông bệnh nhân (BN) với giá rất thấp phi thực tế (đa số BN có khả năng chi trả sẽ chọn BV tư nhân).

Rộng hơn nữa, tuy được mang tiếng là tự chủ, nhưng BV vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các quy định về tổ chức nhân sự cũng như tài chính - mua sắm (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị chứ không hề được tự chủ đúng nghĩa). Như vậy, thất bại của chính sách là có thể thấy trước. Chưa kể việc một BV công lập có 2 hệ thống giá là rất phản cảm và không công bằng.

4 vấn đề cần có trong luật KCB sửa đổi

Từ các phân tích trên, PGS-TS Phong Lan đề xuất 4 vấn đề.

Thứ nhất, cụ thể hóa vấn đề tự chủ nhân sự để BV có thể tự quyết: nhân sự lãnh đạo, mức đãi ngộ chuyên gia, mức lương thưởng, số lượng biên chế, tiêu chí tuyển dụng...

Thứ 2, đa dạng hóa các nguồn thu, trong đó ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, không những giữ nguyên mà còn phải tăng dần hằng năm để thể hiện sự quan tâm với y tế.

Thứ 3, xây dựng mức giá BHYT sát với thực tế để bảo đảm chất lượng, tiến tới ngang bằng giữa giá dịch vụ và BHYT. Như vậy sẽ phải tính toán lại mức thu và mức chi trả BHYT cho hợp lý (ở đây sẽ kéo theo việc tăng chi ngân sách để mua BHYT cho người thuộc diện chính sách, người nghèo).

Cuối cùng, cung ứng thuốc, vật tư y tế cần những quy định đặc thù, đa dạng về hình thức lựa chọn sản phẩm chứ không thể máy móc áp dụng đấu thầu rộng rãi như các mặt hàng khác (sẽ đồng bộ hóa trong luật Đấu thầu). Có thể cho BV tự mua trọn gói theo định suất, BHYT sẽ quy định giá trần thanh toán. Phải có tiêu chuẩn đánh giá là ý kiến của các bác sĩ trong Hội đồng thuốc và điều trị BV.

Đa dạng hóa hình thức trang thiết bị trong BV như mua bán, cho tặng, cho thuê, cho mượn... để phát huy tính tự chủ của BV, cập nhật kỹ thuật mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu của BN.

“Hãy tạo hành lang pháp lý cho các BV công lập được hoạt động bình thường như các quốc gia trên thế giới, nhưng công - tư không thể lẫn lộn. Đừng cho rằng phải rào hết lại như chúng ta thì mới bảo đảm công bằng, thực tế cho thấy vừa ảnh hưởng chất lượng, ngành y tế mai một, bị trói tay trói chân không phát triển, mà vẫn không công bằng khi y tế kỹ thuật cao chỉ dành cho người giàu, và hoạt động dịch vụ diễn ra tự phát”,PGS-TS Phong Lan phân tích.

"Đầu tư cho y tế là nghĩa vụ của Nhà nước"

Cũng theo PGS-TS Phong Lan, trong mọi tình huống, ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi và phải tăng chi hằng năm cho các BV, việc huy động thêm các nguồn lực XHH là để BV mạnh thêm. Tự chủ BV là để nâng cao chất lượng, chứ không phải để tiết kiệm ngân sách hoặc chỉ tập trung chăm sóc cho người có điều kiện. Vì đầu tư cho y tế là nghĩa vụ của Nhà nước, cũng là sử dụng tiền thuế của người dân một cách nhân văn nhất, khi tập trung cho người yếu thế, thu nhập thấp. Bản chất của vấn đề tự chủ BV và XHH y tế khác biệt nhiều so với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vì chúng ta vẫn phải luôn giữ nghĩa vụ của Nhà nước trong việc đầu tư cho y tế. Chỉ giống là để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, chứ không thể phó mặc cho BV tự làm dịch vụ, lấy tiền trực tiếp từ người dân.

Nhiều kiến nghị đáng lưu tâm

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, cho rằng cần bổ sung chương “người nuôi bệnh”, vì gần như trên 90% BV có người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh là người ở lại với BN, đại diện cho BN; tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế; phát sinh điện nước, an ninh trật tự. Phải quy định người nuôi bệnh có quyền và nghĩa vụ gì ở BV. Về vấn đề người nuôi bệnh, Sở Y tế TP.HCM trước đó cũng có đề xuất bổ sung vào luật KCB.

Bên cạnh đó, cần xác định giá trị pháp lý của hồ sơ bệnh án. Vì một số người đến cấp cứu không có giấy tờ tùy thân, bị chấn thương vùng mặt không nhận dạng được, người mắc bệnh kéo dài không nhận dạng được… Điển hình có vài ca bị bỏng vùng mặt, họ lấy CCCD, BHYT của người thân để sử dụng, sau đó cơ quan BHYT phát hiện thì trừ tiền BV.

Về đánh giá chất lượng BV hiện nay, cần chia ra chất lượng KCB (chuyên môn), chất lượng phục vụ và giá tiền để người dân lựa chọn. Không thể đánh đồng điểm chất lượng là chung của cơ sở vật chất, phục vụ với chất lượng KCB.

Về thi năng lực hành nghề, cần xem lại việc giao cho Hội đồng y khoa quốc gia, vì Hội đồng này tham mưu liên quan chuyên môn cho quốc gia. Hội đồng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế ra đề thi, tiêu chuẩn thi, cách thi, cơ sở đủ điều kiện thi và đi thẩm định… Nhưng Hội đồng không thể cấp chứng nhận đủ năng lực hành nghề, vì Hội đồng không thể làm quản lý hành chính Nhà nước. Hãy giao về cho các trường đại học và Sở Y tế thực hiện (nếu thẩm định đủ điều kiện).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.