Lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BYT 2022 (quyết định) thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát cung ứng, sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh.
Theo quyết định, các đoàn sẽ do PSG - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), và 3 cục phó làm các trưởng đoàn.
Việc kiểm tra, khảo sát sẽ thực hiện tại các bệnh viện công thuộc Bộ Y tế và các sở y tế, đại diện cho các vùng miền trên cả nước.
Theo Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra sẽ ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế; xác định khó khăn, vướng mắc về chủ quan, khách quan trong đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư y tế; qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Thiếu thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự chi trả hoặc trì hoãn điều trị khi có bệnh |
LIÊN CHÂU |
Các sở y tế, các bệnh viện được kiểm tra, khảo sát sẽ có trách nhiệm báo cáo, thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế; những loại còn đang thiếu; công tác đấu thầu mua sắm trong các năm gần đây; tác động của thiếu hụt thuốc, vật tư y tế đến chất lượng chuyên môn, điều trị và chất lượng dịch vụ.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh: “Qua kiểm tra, chúng tôi sẽ ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế”.
Bộ Y tế cho hay, việc thiếu hụt thuốc, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện công do có vướng mắc trong đấu thầu (không có đơn vị cung cấp; giá chào cao hơn giá kế hoạch; nhiều thuốc bị hết hạn số đăng ký không thể tham gia thầu, cung ứng...).
“Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn”, Bộ Y tế đánh giá.
Vừa qua, theo phản ánh của các bệnh nhân và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ung bướu, ngoại khoa, trong các tháng gần đây, có tình trạng thuốc, vật tư y tế cần sử dụng nhiều cho điều trị như: đái tháo đường, can thiệp mạch, phẫu thuật tim, các thiết bị sử dụng để truyền thuốc cho bệnh nhân... bị thiếu, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi hoặc phải tự mua, mặc dù nhiều loại có trong danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng mua tại các nhà thuốc tư nhân đã điều chỉnh tăng giá, càng gia tăng gánh nặng chi trả điều trị, đặc biệt với các bệnh hiểm nghèo.
Bình luận (0)