Những hậu quả nặng nề của lũ lụt miền Trung thời gian qua vẫn là vấn đề làm “nóng” phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường ngày 3.11. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mất nhiều rừng tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất, ngập lụt nặng nề
Độ che phủ rừng tăng nhưng khả năng chống chịu thiên tai ngày một giảm
Đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng nguyên nhân của tình trạng sạt lở, ngập lụt kéo dài ở miền Trung thời gian qua “chắc chắn là do chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên, tấm lá chắn an toàn của mẹ thiên nhiên”. Theo ông Thắng, hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục ngàn héc ta rừng đầu nguồn mất đi. “Chỉ tiêu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi”, ĐB Thắng nhận định.
Cũng theo ĐB tỉnh Quảng Trị, chính mất rừng, mất đất, mất khả năng điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn. “Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn, tàn phá nặng nề hơn”, ông Thắng nói và đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt là chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây nguyên để có giải pháp căn cơ, lâu dài về môi trường và khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt.
Từ thực tế lũ lụt tại Quảng Nam cũng như miền Trung, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề xuất có cơ chế chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân; đặc biệt là trồng rừng thay thế tại các dự án hồ thủy điện, thủy lợi. Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị Quốc hội (QH) và Chính phủ tiếp tục các chương trình trồng rừng tái sinh thay thế cho diện tích rừng nguyên sinh đang bị suy giảm. Bà Xuân cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và miền núi phía bắc, đồng thời cân nhắc loại bỏ dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.
“Cần thay đổi tư duy trong việc bảo vệ rừng”
Được mời giải trình tại QH, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết diện tích rừng của VN vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%.
Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%. “Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chúng ta”, ông Cường khẳng định. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận “mặt trái của vấn đề” là trong 30 năm thì rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi thời gian quá ngắn. “Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 triệu ha rừng miền Trung đã bị hủy hoại. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải từng bước”, Bộ trưởng Cường cho hay.
Không đồng tình với Bộ trưởng Cường về nhận định Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả việc che phủ rừng trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng nặng nề hơn. ĐB Hiếu cho rằng cần thay đổi tư duy trong việc bảo vệ rừng. “Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép mới, thì sẽ xảy ra những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa”, ông Hiếu nói.
Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc vụ SGK tiếng Việt sai sótPhát biểu chiều 3.11, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), nhắc đến sự cố sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều thời gian vừa qua. Bà Thảo cho rằng để tạo sự đồng thuận từ trong ngành giáo dục đến toàn xã hội, cần làm rõ có hay không sai sót ở đây, và nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào, trách nhiệm xử lý khắc phục hậu quả thuộc về ai? Với quan điểm “SGK đã sai bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ học sinh trẻ của chúng ta học SGK sai sót như vậy”, ĐB Thảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tạm dừng bộ sách và khẩn trương tiến hành rà soát, thẩm định lại với toàn bộ số SGK này.
ĐB Thảo cũng kiến nghị cần thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia có tất cả thành viên mới với từng bộ SGK, thẩm định lại khách quan, minh bạch, thật kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa vào sử dụng. Trong thời gian thẩm định lại SGK, cần tránh trường hợp việc thu hồi sách chỉ diễn ra cục bộ ở từng địa phương, từng bộ sách, tránh việc sử dụng học liệu thiếu tính nhất quán.
Về kinh tế, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ biên soạn đến thẩm định, phê duyệt để ban hành. Đặc biệt, khi buộc phải thu hồi để chỉnh sửa thì cần cung cấp sách thay thế, miễn phí cho học sinh, tránh để phụ huynh, học sinh phải thiệt hại kép.
Về quy trách nhiệm, ĐB Thảo đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót. Cho rằng khi phải thu hồi SGK để chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn; đối tượng chịu tác động rất rộng, từ học sinh, phụ huynh, giáo viên tới nhà trường, các địa phương và kéo theo sự vào cuộc của nhiều cơ quan; để khắc phục sẽ tốn nhiều tiền của, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản cá nhân, tổ chức tới tài sản của nhà nước, ĐB “đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra” để tránh bức xúc trong nhân dân.
Tranh luận với ĐB Thảo, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn, ngành giáo dục đã hết sức cố gắng, dù vậy có một số thiếu sót không tránh khỏi, nhưng không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. “Không phải sai sót đến mức như ĐB nói là phải chuyển cơ quan điều tra, hoặc hình sự hóa việc sai sót này”, ĐB Phương nói.
Trong buổi chiều, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã giải trình về các ý kiến của ĐB. Tuy nhiên, đây là các nội dung không mới, như các thông tin trước đây Bộ đã đưa ra. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nhân dân, cùng với giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếp tục rà soát để SGK mới hoàn thiện hơn”, ông Nhạ cam kết.
|
Bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú QuốcChiều 3.11, QH đã bỏ phiếu kín thông qua việc bãi nhiệm ĐBQH khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, ĐBQH TP.HCM. Theo kết quả kiểm phiếu được Ban Kiểm phiếu của QH công bố, với 471 ĐB có mặt trong tổng số 482 ĐBQH, đã có 467/470 phiếu hợp lệ (96,8% tổng số ĐBQH) đồng ý bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc; số phiếu không đồng ý là 3 (0,62% tổng số ĐBQH). Với kết quả bỏ phiếu này, QH đã quyết định bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc.
Sau khi có kết quả bỏ phiếu, QH cũng biểu quyết bằng máy để thông qua Nghị quyết của QH về việc bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc. Theo dự thảo nghị quyết mà Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước QH, ông Quốc bị bãi nhiệm vì không trung thực trong báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân. Kết quả, với 429/431 ĐB (89,42% tổng số ĐBQH) tán thành, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm ĐBQH với ông Phạm Phú Quốc.
Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm do có quốc tịch Cyprus (Cộng hòa Síp) vào tháng 12.2018 cùng vợ song không khai báo. Theo luật Tổ chức QH mới được sửa đổi, thông qua, ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Chiều 3.11, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, Sở sẽ tham mưu UBND TP giải quyết theo đơn xin thôi việc của ông Phạm Phú Quốc.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)