Góp ý cho dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng 27.10, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo chỉ quy định tiêu chuẩn người tham gia về sức khỏe, trong khi đó, lực lượng này như "cánh tay nối dài" của công an cấp xã, hỗ trợ rất nhiều nhiệm vụ, rất quan trọng.
“Nên quy định giới hạn tuổi. Vì U.70 mà canh giác ban đêm, ban hôm thì sao mà làm được. U.70 mà ra điều tiết giao thông là rất phản cảm”, đại biểu Hòa nêu.
Ông cũng đưa ví dụ bí thư thôn, trưởng thôn, trưởng làng lớn tuổi là hợp lý, cần uy tín, bao nhiêu tuổi cũng được. Nhưng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở mà không quy định tuổi đời là không hợp lý.
Cùng quan điểm, theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang), về tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, điều 13 của dự thảo luật quy định, tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn độ tuổi tối đa tham gia lực lượng này.
Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ.
“Nếu người lớn tuổi tuy sức khỏe có nhưng có thể không nhanh nhẹn, không đủ sức trấn áp lực lượng này, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh”, bà Lam nêu.
Đại biểu đoàn Hậu Giang cũng đề nghị cần bổ sung quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định.
Thực tiễn cho thấy, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay còn khó khăn, hạn chế; nếu đặt ra tiêu chuẩn về giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút được người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội.
Đồng thời, từ trước đến nay, pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi tối đa trong việc tuyển chọn người tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách, nên việc bổ sung quy định độ tuổi tối đa đối với người tham gia lực lượng là không phù hợp với thực tế.
Để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phải bảo đảm yêu cầu về sức khỏe khi tham gia lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo luật quy định về cho thôi tham gia lực lượng trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe.
Bình luận (0)