Thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 26.7, GS - TS Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều nơi. Đặc biệt, chủ trương, chính sách sai gây lãng phí cực kỳ lớn. Bên cạnh đó, lãng phí còn đáng lên án, phê phán và cần nghiêm trị hơn cả tham nhũng.
Đại biểu Trí mong Đảng, Nhà nước quan tâm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải xứng với yêu cầu của cử tri. “Nhân dân xót xa lắm khi thấy dự án, mảnh đất rất rộng bỏ hoang hoá 10 năm. Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt xét xử rồi cho vào tù, bởi rất khó định tội vì khi xảy ra rồi thì sẽ không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không cho gây lãng phí, muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành và quản lý xã hội”, đại biểu Trí kiến nghị.
Trước đó, GS - TS Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cũng nhìn nhận việc gây lãng phí thời gian qua mới chỉ kể tên, điểm danh nhưng chưa báo cáo, đánh giá toàn diện. Hiện nay, theo đại biểu, cử tri rất bức xúc với lãng phí trong đầu tư công, thực hiện dự án đầu tư.
“Chúng ta huy động tiền vốn để làm dự án thì phải trả lãi vay nhưng vốn đó cứ để trong ngân hàng, kho bạc. Công trình chậm tiến độ, vốn đưa vào không thành tài sản sử dụng, lãi thì vẫn phải trả gây lãng phí lớn cho xã hội”, đại biểu Cường phản ánh.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng kiến nghị, muốn tiết kiệm, chống lãng phí thực chất thì phải có kế sách bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc. Nó phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi trở thành yêu cầu của một cán bộ, công chức.
“Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hàng ngày”, đại biểu Nghĩa nói.
Bình luận (0)