Ngày 17.10, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương VN - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi VN (gọi tắt là Grab).
tin liên quan
Vinasun kiện Grab, Grab xin hoãn phiên tòaĐại diện ủy quyền của Vinasun là ông Trương Đình Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) và đại diện ủy quyền cho Grab là ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore, là CEO Grab tại Việt Nam).
Vụ kiện này phát sinh từ năm 2017 và 3 lần mở phiên tòa nhưng phải hoãn xử và tòa từng tạm đình chỉ vụ án để yêu cầu các bên, Sở KH-ĐT, Sở GTVT, Bộ GTVT bổ sung, cung cấp thêm chứng cứ.
Như những phiên tòa trước, lần này các tài xế Vinasun tiếp tục tập trung đông đúc tại tòa án để theo dõi diễn biến phiên xử
Trong phiên tòa sáng nay, phía Grab tiếp tục xin hoãn phiên tòa vì đại diện phía Công ty Cửu Long (giám định thiệt hại của Vinasun) vắng mặt.
Grab cho rằng kết quả giám định là phần rất quan trọng, liên quan đến toàn bộ vụ án nên phiên tòa cần hoãn để tiếp tục triệu tập người đại diện Công ty Cửu Long.
Sau khi HĐXX hội ý, tòa không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa. Theo HĐXX, trong quá trình tranh tụng tại tòa, nếu kết quả giám định không phù hợp thì tòa sẽ tạm dừng để yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung theo luật định.
Ngoài ra, Grab cũng đề nghị HĐXX không cho nguyên đơn tiếp cận các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab do Grab cung cấp cho tòa án, đồng thời không công khai tài liệu này tại phiên xử vì những tài liệu này là bí mật kinh doanh của Grab.
Trước đó, liên quan đến yêu cầu không cho Vinasun tiếp cận tài liệu kinh doanh mà Grab cung cấp, Grab đã gửi đơn đề nghị Chánh án TAND TP.HCM chấp nhận tuy nhiên Chánh án đã bác đề nghị của Grab.
Về yêu cầu không công khai tài liệu liên quan đến kinh doanh của Grab tại tòa theo đề nghị của Grab, HĐXX cũng không chấp nhận.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường VN thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải, nhưng Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng. Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng”. Grab đề nghị tòa đình chỉ vụ án hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Phiên tòa đang tiếp tục phần tranh luận.
|
Bình luận (0)